Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí mật của Pele: bị cấm đá bóng, bỏ lời thề do phá sản và một trọng tài bị đuổi vì… dám đuổi Pele

Vua bóng đá Pele nổi tiếng đến mức chúng ta nghĩ rằng đã biết tất cả về ông. Không, vẫn còn vô số những điều bí ẩn xoay quanh con người huyền thoại này.

 

Bí mật của Pele: bị cấm đá bóng, bỏ lời thề do phá sản và một trọng tài bị đuổi vì… dám đuổi Pele - Ảnh 1.

“Tao cấm mày chơi bóng đá. Rồi lại như bố mày, chấn thương ngồi đó và không thể nuôi nổi gia đình”, mẹ Pele nói với ông lúc còn nhỏ. Pele có ông bố Dondinho vốn là một cầu thủ nên cả nhà cứ nay đây mai đó, đi theo đội của ông. Vấn đề là thu nhập từ bóng đá quá ít, dẫn đến cảnh bà mẹ Celeste cùng 5 đứa con lúc nào cũng nghĩ về việc “tối nay ăn gì”. Khi ông chấn thương tình hình còn tệ hơn nữa. Vì vậy bà Celeste đổ lỗi cho bóng đá và quả quyết những đứa con phải học hành tử tế.

Có điều Pele lại học hành láng cháng, trong khi đá bóng lại quá cừ. Cậu cũng rất hiếu thảo. Ngày vô địch giải trẻ của thị trấn, khán giả thích thú ném xu xuống sân thưởng cho Vua phá lưới. Pele nhặt đủ 36 cruzeiro mang về đưa mẹ.

Lúc ký hợp đồng với Santos, mức lương đầu tiên chẳng nhiều nhặn gì nhưng Pele vẫn gửi 2/3 về cho bố mẹ tích góp mua nhà. Hai năm đầu, cậu vẫn ở trong khu trọ và đi xe điện tới sân để tiết kiệm tiền. Vậy là trời chẳng chịu đất, đất phải chịu trời, bà đành cho theo nghiệp bóng banh.

Bí mật của Pele: bị cấm đá bóng, bỏ lời thề do phá sản và một trọng tài bị đuổi vì… dám đuổi Pele - Ảnh 2.

Pele kiếm được 36 xu đầu tiên nhờ bóng đá.

Sẵn tính tiết kiệm từ bé, lại là ngôi sao số một thế giới, không ngạc nhiên khi Pele rất giàu có. Những năm tháng đỉnh cao, ông cùng Santos đi lưu diễn khắp thế giới, từ châu Âu, châu Phi đến châu Á và kiếm về bộn tiền. Danh tiếng của Pele cao tới mức chỉ cần có ông, mọi sân vận động đều kín chỗ. Dĩ nhiên các hợp đồng luôn có điều khoản Pele phải có mặt trên sân.

Ở trận giao hữu giữa Santos với ĐTQG Colombia năm 1968 có một tình huống kỳ lạ xảy ra. Hôm ấy sân El Campin ở thủ đô Bogota không còn chỗ trống. Ai ai cũng háo hức được chiêm ngưỡng Vua bóng đá. Thế nhưng trận đấu xuất hiện một pha lộn xộn, trọng tài Guillermo Velasquez rút thẻ đỏ đuổi Pele.

Vậy là khắp sân như chợ vỡ. Mọi CĐV đều la hét phản đối, thiếu điều muốn lao xuống ăn thua đủ với trọng tài. Nguy cơ vỡ sân là có thật. Các quan chức lãnh đạo cũng bực mình vì không được xem Pele. Cuối cùng một quyết định hy hữu được đưa ra. Trọng tài Guillermo Velasquez… bị đuổi khỏi sân. Một người khác được cử ra cầm còi và tất nhiên, Pele trở lại sân đấu. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 4-2 nghiêng về đội khách Santos nhưng ai cũng hài lòng.

Bí mật của Pele: bị cấm đá bóng, bỏ lời thề do phá sản và một trọng tài bị đuổi vì… dám đuổi Pele - Ảnh 3.

Pele từng là hiện tượng toàn cầu và đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới.

Những chuyến du đấu của Pele luôn ẩn chứa những điều kỳ lạ. Ví dụ như việc nhiều đội châu Phi muốn Pele… đứng trong khung thành của họ ở hiệp hai. Không rõ yêu cầu quái gở này xuất phát từ đâu và phía Santos kịch liệt phản đối. Thế nhưng Pele lại gật đầu cái rụp.

Từ bé ông đã thích làm thủ môn và mọi đồng đội đều xác nhận Pele bắt rất khá. Trong nhiều năm, Pele thậm chí còn được đăng ký là người gác đền số 2 của đội. Ở trận đấu với Gremio năm 1964, Pele ghi 3 bàn giúp đội thắng ngược 4-3 thì thủ thành Gilmar bị đuổi. Vậy là Pele xỏ găng đứng trong cầu môn, cản phá nhiều lần để bảo toàn chiến thắng. “Pele, ngôi sao với trái bóng cả dưới chân lẫn trên tay”, tờ Gazeta Esportiva chạy dòng tít vào số hôm sau.

Nhân nói đến báo chí, danh xưng Vua bóng đá của Pele chính do báo chí đặt. Khi Pele đưa Brazil lên ngôi vô địch thế giới năm 1958, tờ Paris Match số ra tháng 7/1958 đã giật tít “Pelé, 17 ans, roi du Bresil”, tức ”Pele, 17 tuổi, vua của Brazil”. Kể từ đó ở Brazil, người ta bắt đầu gọi “O Rei Pele” - “Vua Pele” (tiếng Bồ Đào Nha, Vua là Rei). Khi ông nổi tiếng toàn cầu, tất cả thống nhất Pele là Vua bóng đá.

Bí mật của Pele: bị cấm đá bóng, bỏ lời thề do phá sản và một trọng tài bị đuổi vì… dám đuổi Pele - Ảnh 4.

Pele đội vương miện và cầm quyền trượng như một vị vua.

Là Vua bóng đá, Pele yên tâm sẽ kết thúc sự nghiệp mà không phải lo lắng về tiền bạc đến tận cuối đời. Thế mà đùng một cái, ông nhận tin mình phá sản.

Ngày 2/10/1974, sau chiến thắng 2-0 trước Ponte Preta, Pele quỳ xuống giữa sân và nói lời tạm biệt trước hơn 20.000 cổ động viên cuồng nhiệt của Santos, chính thức chia tay bóng đá ở tuổi 34.

Một hôm ở nhà, bỗng kế toán gõ cửa, mồ hôi đầm đìa và gương mặt thì hoảng hốt. Pele đùa: “Sao thế, chúng ta còn mấy mươi triệu?”. Kế toán chìa ra đống sổ sách và Pele nhận ra chẳng có mấy mươi triệu, thậm chí một xu cũng không. Toàn bộ tài sản ông gom góp đã bốc hơi, vì một loạt vụ đầu tư thất bại và ít nhất 6 công ty nợ đầm đìa vì quản lý yếu kém.

Đúng lúc ấy một lời đề nghị xuất hiện trên bàn. New York Cosmos sẵn sàng trao cho ông hợp đồng trị giá 2,8 triệu đô la mỗi năm để tới Mỹ chơi bóng. Trước đây Cosmos đã nhiều lần chào mời, nhưng Pele nhất quyết nói không. Ông từng thề sẽ không chơi cho CLB nào ngoài Santos. Nhưng giờ đã khánh kiệt, ông buộc phải thay đổi, gật đầu và trở thành vận động viên hưởng lương cao nhất thế giới. Đó là lý do Pele mãi đến năm 1977 mới chính thức nghỉ hưu, trong khi lẽ ra ông làm điều đó từ năm 1974.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...