Bà nội trợ 28 tuổi kiếm 180.000 USD dù không có bằng đại học, chỉ cần làm 3 tiếng mỗi ngày, tất cả chỉ vì một lần đi thẩm mỹ viện cùng chồng
Chỉ vì một lần "trót dại" đi thẩm mỹ viện cùng chồng, bà nội trợ 28 tuổi đã dấn thân vào con đường làm giàu mà chẳng cần bằng đại học.
Hãng tin CNBC cho hay cô Miracle Workman đã nhận ra tấm bằng đại học là không phù hợp với bản thân ngay trong học kỳ đầu tiên tại ngôi trường ở Alaska. Khoản vay học phí quá nặng cùng với tương lai làm việc trả nợ khiến Workman quyết định từ bỏ học đại học vào năm 2013.
Chỉ vài tháng sau đó, Worlman cùng chồng đi thẩm mỹ viện ở Arizona, vốn là một lần "trót dại" khi cặp đôi đi thăm mẹ chồng và bất ngờ với phương pháp dùng laser điều trị mụn trứng cá nên muốn thử nghiệm.
Ngay khi bước vào phòng, Workman đã nhận ra mình thích nghề này.
"Dù đây là gì đi nữa thì mình cũng thích nó và tôi muốn làm điều này", Workman nói với CNBC.
Sau đó 10 năm, Workman đã biến giấc mơ này thành hiện thực với một tiệm làm tóc và một studio thẩm mỹ viện có lợi nhuận 180.000 USD.
Vậy tại sao một bà nội trợ không có bằng đại học lại xây dựng nên được một cơ nghiệp như vậy?
Bắt đầu từ kẻ làm thuê
Ngay khi trở về nhà từ lần đi thẩm mỹ viện cùng chồng, Workman đã tìm kiếm trên Google các trường dạy thẩm mỹ quanh khu vực.
Nghe có vẻ dễ nhưng tại Mỹ, tiêu chuẩn để trở thành chuyên gia thẩm mỹ không hề dễ. Ví dụ ở Alaska, bạn phải hoàn thành ít nhất 350 giờ trong khóa học được chính phủ cấp phép và phải vượt qua 2 kỳ thi để được cấp phép.
Thậm chí tại những nơi như New York, tiêu chuẩn được nâng lên đến 600 giờ khóa học.
Vào tháng 3/2015, Workman bắt đầu tham gia khóa học ở trung tâm đào tạo cách nhà mình 1 giờ lái xe. Trong suốt 10 tuần sau đó, Workman đã liên tục theo học trong tuần và làm thêm cuối tuần ở một tiệm bánh pizza.
"Mọi thứ thật khó khăn, nhưng tôi yêu thích các lớp học của mình nên chúng chưa bao giờ là gánh nặng công việc", Workman nhớ lại.
Tại trung tâm đào tạo, Workman đã được dạy các kỹ năng trang điểm, tẩy lông, xăm lông mày, lột da bằng hóa chất và nhiều thứ khác. Bà nội trợ này ước tính đã chi khoảng 7.000 USD học phí, tiền mua đồ dùng cùng lệ phí thi cử.
Sau khi tốt nghiệp vào tháng 5/2015, dù rất muốn mở trung tâm thẩm mỹ cho riêng mình nhưng Workman cần xây dựng tệp khách hàng cũng như kinh nghiệm làm việc. Bởi vậy cô đã làm nhân viên cho một tiệm tẩy lông, sau đó chuyển qua một spa làm đẹp.
Thế rồi đại dịch Covid-19 diễn ra khiến Alaska đóng cửa toàn tiểu bang vào tháng 3/2020 và đây cũng là lúc Workman nhận ra mình cần một sự khởi đầu mới.
Tín hiệu vũ trụ
Cô Workman cho biết đại dịch Covid-19 như một tín hiệu vũ trụ giúp cô bắt đầu con đường khởi nghiệp như kế hoạch ban đầu. Workman nghỉ việc ở spa khi tiệm mở lại vào tháng 5/2020 và thuê một căn phòng nhỏ với giá 500 USD/tháng để lập nghiệp.
"Tôi muốn kết nối với khách hàng ngay lập tức nên sẵn sàng làm bất cứ điều gì xây dựng cửa hàng", Workman nói khi chi phí mở tiệm vào khoảng 10.000 USD, bao gồm các thiết bị và tên miền website.
Do không có nhiều tiền nên Instagram trở thành công cụ tiếp thị tuyệt vời nhất của Workman.
"Nhiều khách hàng theo dõi trang Instagram của tôi và nhắn tin trực tiếp để đặt lịch hẹn khi còn làm ở spa. Bởi vậy khi khai trương cơ sở mới, tôi đã chia sẻ chúng lên tài khoản cá nhân để thu hút tệp khách hàng cũ", Workman nói.
Nhờ tệp khách hàng cũ và cách tiếp thị thông minh này mà chỉ 1 năm kể từ ngày khai trương, cơ sở thẩm mỹ của Workman đã kiếm được lợi nhuận ròng 115.000 USD.
Bước sang năm 2022, Workman mua lại tiệm làm tóc phía trước cơ sở thẩm mỹ của mình và bắt đầu điều hành 2 trung tâm cùng nhân viên dưới quyền thay vì trực tiếp làm thợ.
Sự chuyển biến này khiến Workman có thời gian sinh con và chào đứa con gái đầu lòng vào tháng 11 cùng năm.
3 tiếng mỗi ngày
Theo Workman, dù không có bằng đại học nhưng nghề thẩm mỹ này giúp cô kiếm được thu nhập ổn định với thời gian linh hoạt. Kể cả khi còn làm nhân viên cho spa, cô có thể làm chưa đến 40 tiếng mỗi tuần và điều chỉnh lịch trình tùy thuộc vào bản thân và đàm phán với khách hàng.
Sau khi mở trung tâm, Workman nhanh chóng nhận ra có thể nhân đôi thu nhập bằng các dịch vụ chăm sóc da chuyên biệt thay vì chỉ là trung tâm thẩm mỹ lẫn làm tóc thông thường. Cô bắt đầu tham gia các khóa đào tạo thực hành của các hãng sản phẩm chăm sóc da.
"Tôi thường làm việc trung bình 15-20 tiếng mỗi tuần, nhưng đôi khi tôi chỉ làm việc 3 giờ một ngày. Tôi có rất nhiều khách tạt qua trong giờ nghỉ trưa hoặc đặt lịch tại nhà vào những ngày cố định nên hoàn toàn có thể đảm bảo ngày cuối tuần nghỉ ngơi", cô Workman cho biết.
Theo bà nội trợ 28 tuổi này, việc có thể điều chỉnh thời gian linh hoạt cùng nguồn thu nhập ổn định là một điều may mắn. Chính vì vậy Workman không hề hối hận khi từ bỏ đại học bởi cô cho rằng nếu vẫn đi theo con đường đó, có lẽ giờ bản thân đang phải vất vả làm công cho một doanh nghiệp nào đó để trả nợ tiền học phí.
Đặc biệt hơn, việc được làm nghề thẩm mỹ mà cô yêu thích khiến sự nghiệp của Workman không có nhiều gánh nặng áp lực bởi đây là niềm đam mê của bà nội trợ trẻ.
*Nguồn: CNBC