"Khúc đồng dao" - Bản hòa ca tôn vinh bản sắc Việt
Khán phòng liên tục vang lên những tràng pháo tay không ngớt khi “Khúc đồng dao” được trình diễn.
![]() |
Mùa nước nổi Nam Bộ được tái hiện trong “Khúc đồng dao”. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Chương trình đem đến cho khán giả bản hòa ca không chỉ là tiếng vọng thân thương của quá khứ, mà còn là nhịp đập đầy sức sống của hiện tại, từ đó, khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào và khát vọng về một tương lai hòa bình, thịnh vượng.
“Khúc đồng dao” là chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) của Nhà hát Múa rối Việt Nam.
Qua nghệ thuật múa rối nước độc đáo kết hợp với âm nhạc, vũ đạo dân gian, hình tượng non sông liền một dải từ Bắc vào Nam được khắc họa thật lung linh, sống động. Đó là hành trình khám phá hương sắc 3 miền: Nếu Bắc Bộ là những điệu múa nón quai thao, nghi lễ thờ Mẫu… thì đến miền Trung sẽ là điệu múa hoa đăng cung đình Huế, múa Chăm, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên… Còn khi vào phương Nam sẽ gặp những câu hò, điệu lý tha thiết của đờn ca tài tử rồi chòng chành cùng thuyền thúng bồng bềnh sông nước…
Có thể thấy, mỗi miền quê mang một sắc màu riêng được tái hiện qua tài năng, tâm huyết của ê-kíp sáng tạo để cùng đem đến cho khán giả bức tranh văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, nơi những con người chân chất, nghĩa tình…
“Khúc đồng dao” đã nhận được sự chào đón, mến mộ của đông đảo khán giả. Những tiếng reo vui đồng điệu với nhịp trống, nhịp khèn, nhịp đồng dao… vang rộn khắp khán phòng.
Đến thưởng thức chương trình, cô Nguyễn Thị Kim Nga (42 tuổi, giáo viên mỹ thuật Trường Quốc tế St. Mary's) bày tỏ sự yêu thích: “Tôi đã xem nhiều chương trình của nhà hát, mỗi lần đều mang đến một xúc cảm riêng biệt. “Khúc đồng dao” để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc trước cách tiếp cận và thể hiện sự đa dạng văn hóa vùng miền một cách rõ nét. Bên cạnh đó là sự đổi mới trong tạo hình nhân vật, phương thức biểu diễn, tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ hơn”.
Cô Nguyễn Hương Ly - giáo viên Trường Mầm non Liễu Giai (Hà Nội) thì chia sẻ: “Dù đã xem múa rối nước nhiều lần nhưng không hiểu sao mỗi lần ngồi trước sân khấu, tôi lại có cảm giác như lần đầu tiên được chứng kiến phép màu. Chương trình hôm nay thực sự mang đến nhiều bất ngờ, từ những màn trình diễn mãn nhãn đến cách lồng ghép khéo léo nét đẹp văn hóa của các vùng miền. Múa rối đã có nhiều đổi mới để phù hợp hơn với thị hiếu của giới trẻ. Sự kết hợp giữa âm thanh sống động, hiệu ứng ánh sáng và kỹ thuật sân khấu hiện đại đã khiến cho các tiết mục trở nên bắt mắt, sinh động hơn mà vẫn giữ được hồn cốt truyền thống”.
Chương trình “Khúc đồng dao” tái hiện lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên đầy ấn tượng. Ảnh: Nguyên Hạnh.
Với khán giả trẻ, nhất là những người lần đầu trải nghiệm, “Khúc đồng dao” để lại nhiều ấn tượng khó quên
Bạn Mai Minh Đức - sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Văn hóa Hà Nội hào hứng cho biết, trước đây chỉ biết đến nghệ thuật múa rối nước qua phim ảnh. Vậy nên khi được trải nghiệm trực tiếp, Đức thấy thật thú vị, vượt xa sức tưởng tượng. “Vẻ đẹp sống động, uyển chuyển của những con rối trên sân khấu hoàn toàn khác biệt với hình dung ban đầu để em có được cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là tiết mục tái hiện nghi lễ thờ Mẫu, đem đến cho em sự cuốn hút kỳ lạ cùng cảm xúc khó tả”, Minh Đức bày tỏ.
Cũng là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Nguyễn Huy Hoàng kể: “Ban đầu em chỉ nghĩ đi xem để làm bài tập cho môn Nghệ thuật diễn xướng dân gian, nhưng buổi biểu diễn thực sự đã vượt xa mong đợi. Em không ngờ các con rối lại có thể chuyển động linh hoạt và sinh động đến vậy. Các nghệ sĩ điều khiển rối thật tài tình. Đặc biệt, khi được nghe lại những câu dân ca quen thuộc, em không kìm được nước mắt vì nhớ đến tiếng hát chèo của bà ngoại, câu quan họ của bà nội ngày xưa. Với những chương trình đặc sắc như thế này, em tin rằng múa rối nước có thể hút giới trẻ nhiều hơn nữa”.
Cũng là lần đầu trực tiếp thưởng thức múa rối nước, Minh Ngọc - sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Ngoại giao cho biết, từ việc tình cờ xem một số video quảng bá các tiết mục của Nhà hát Múa rối Việt Nam trên mạng xã hội và cảm thấy rất hấp dẫn nên Ngọc mua vé đến xem chương trình.
“Em không thể ngờ được những con rối nhỏ bé lại có thể truyền tải được nhiều cảm xúc đến vậy. Em tin rằng nếu khai thác tốt yếu tố sáng tạo trong cách thể hiện và tận dụng hiệu quả các kênh truyền thông hiện đại, nghệ thuật múa rối nước hoàn toàn có thể chinh phục giới trẻ trong tương lai”. Minh Ngọc nói.
NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ về tâm huyết khi dàn dựng chương trình: ““Khúc đồng dao” không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là lời tri ân sâu sắc gửi đến các thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mỗi tiết mục trong chương trình tập trung tái hiện những giá trị truyền thống văn hóa dân gian - từ phong tục tập quán, lễ hội quê hương cho tới những làn điệu dân ca, những hình ảnh đời sống sinh hoạt đậm đà bản sắc Việt. Tất cả được thổi hơi thở mới của thời đại, chuyển tải niềm tự hào dân tộc và khát vọng về một tương lai tươi sáng”.
“Tôi tin rằng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, luôn mang trong mình một sứ mệnh thiêng liêng: Kết nối con người với cội nguồn, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, để thế hệ trẻ thêm tự hào, thêm gắn bó với văn hóa dân tộc mình” - NSND Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam.