Tuyến đường 76 km, 4 làn xe giải tỏa kẹt xe TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh chốt ngày thông xe
TPHCM - Vành đai 3 dài 76 km, 4 làn xe, đi qua TPHCM, Đồng Nai và Tây Ninh chốt lịch thông xe một số đoạn trong năm 2025 và hoàn thành toàn tuyến năm 2026.
Vành đai 3 TPHCM đi trên cao đoạn qua TP Thủ Đức cũ. Ảnh: Minh Quân
Dự án Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài hơn 76 km, giai đoạn 1 được thiết kế với 4 làn xe cao tốc và đường song hành.
Tổng vốn đầu tư dự án gần 75.400 tỉ đồng, đi qua bốn địa phương (khi chưa sáp nhập tỉnh, thành) gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập tỉnh, thành, hiện tuyến Vành đai 3 đi qua ba địa phương là TPHCM, Đồng Nai và Tây Ninh.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông TPHCM, đoạn Vành đai 3 qua địa bàn TPHCM cũ có chiều dài hơn 47 km, tổng vốn đầu tư khoảng 41.387 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm gần 19.000 tỉ đồng.
Sau hơn 2 năm thi công, đoạn tuyến này đã đạt khoảng 45% khối lượng.
Để tăng tốc, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu và đơn vị tư vấn thi công tổ chức 3 ca, 4 kíp liên tục; đồng thời, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật như tăng tải, tăng mật độ bấc thấm, sử dụng bơm hút chân không để rút ngắn thời gian xử lý đất yếu.
Theo kế hoạch, Vành đai 3 qua TPHCM sẽ được triển khai thông xe theo từng giai đoạn.
Ngày 18.9.2025: Thông xe đoạn từ nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đến cầu Nhơn Trạch.

Ngày 31.12.2025: Thông xe 14,7 km cầu cạn (đường trên cao) từ nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành đến nút giao Tân Vạn; đồng thời, thông xe kỹ thuật 32,6 km đường cao tốc đi qua các huyện cũ của TPHCM (Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh).
Đến 30.6.2026: Thông xe toàn bộ 47 km đoạn tuyến qua TPHCM.

Đoạn Vành đai 3 dài hơn 11 km đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương cũ (nay thuộc TPHCM sau khi sáp nhập) cũng đang được triển khai gấp rút.
Cầu Bình Gởi - công trình quan trọng của đoạn này đã hợp long vào cuối tháng 6.2025, góp phần đảm bảo mục tiêu thông xe toàn bộ trong năm 2026.

Tại địa phận Tây Ninh (trước đây là tỉnh Long An), đoạn Vành đai 3 dài 6,8 km hiện đạt khoảng 78% khối lượng.
Nút giao kết nối hai tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và Bến Lức - Long Thành đang được đẩy nhanh thi công, dự kiến hoàn thành, thông xe kỹ thuật trước ngày 31.10.2025. Toàn bộ đoạn Vành đai 3 qua Tây Ninh sẽ được thông xe cuối năm 2025.

Trong khi đó, đoạn qua Đồng Nai có chiều dài 11,2 km (từ cầu Nhơn Trạch đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) hiện đạt gần 40% khối lượng và đặt mục tiêu hoàn thành đồng bộ vào năm 2026.
Khi hoàn thành, Vành đai 3 TPHCM sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc huyết mạch gồm: TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Chơn Thành.
Tuyến đường không chỉ góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực nội đô TPHCM, mà còn tạo hành lang vận tải chiến lược cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vành đai 3 TPHCM sẽ mở ra không gian phát triển mới, kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất và hệ thống cảng biển lớn, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động logistics, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế vùng.
Đây được kỳ vọng là “xương sống giao thông” mới, giúp TPHCM và các tỉnh lân cận bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.