Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sông Hồng là trung tâm của mọi sáng tạo Hà Nội

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh, sông Hồng là điều kiện tiên quyết, là trung tâm của mọi hoạt động mưu sinh, trung tâm của mọi sáng tạo văn hóa của người Hà Nội.

Vị thế đặc biệt trong tiến trình lịch sử

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã chia sẻ những phân tích về vị thế của Kinh đô - Thủ đô Cổ Loa, Thăng Long, Hà Nội trong tiến trình lịch sử.

Sông Hồng là trung tâm của mọi sáng tạo Hà Nội

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc tham luận tại Hội thảo

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cho hay, địa bàn TP Hà Nội nằm gọn ở trung tâm châu thổ sông Hồng, nơi con người tụ cư sớm và đông đúc; nơi chứng kiến toàn bộ quá trình hình thành cộng đồng người Việt cổ, với sự ra đời của nền văn minh sông Hồng.

Nền văn minh sông Hồng là nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, sử dụng công cụ sản xuất bằng kim khí (đồ đồng, đồ sắt), tạo ra bước phát triển trội vượt về kinh tế, xã hội và thông qua đó xác lập bản lĩnh, truyền thống và lối sống Việt Nam, đặt cơ sở vững vàng cho sự ra đời và phát triển của quốc gia dân tộc.

Vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên danh nghĩa là sự trở lại kinh thành Đại La của Cao Biền nhưng thực chất là tiếp nối truyền thống lâu đời của dân tộc từ kinh đô Cổ Loa cho đến kinh đô Vạn Xuân ở vùng đỉnh thứ hai của châu thổ sông Hồng. Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh gần 8 thế kỷ liên tục là kinh đô, đế đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu nhất của kỷ nguyên văn minh Đại Việt rạng rỡ văn trị, võ công, một bước tiến huy hoàng của lịch sử đất nước.

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, kể từ thời đại dựng nước đầu tiên cho đến nay các kinh đô kinh thành Cổ Loa, Mê Linh, Vạn Xuân, Ô Diên, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh, Hà Nội gần như liên tục nối tiếp nhau đều được đặt trên địa bàn thành phố, biến Hà Nội thành trung tâm hội tụ, kết tinh, giao lưu, lan tỏa lớn nhất và mạnh nhất các giá trị lịch sử và văn hóa của cả nước.

Hà Nội thực sự là căn cốt của toàn bộ lịch sử đất nước, là trung tâm và đỉnh cao của cả ba kỷ nguyên văn minh lớn Việt Nam là: Kỷ nguyên văn minh dựng nước và giữ nước đầu tiên, Kỷ nguyên văn minh Đại Việt và Kỷ nguyên độc lập tự do tiên lên văn minh hiện đại. Đấy là vị thế lớn nhất và đặc biệt nhất của Hà Nội trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc mà không một đô thị nào hay một kinh thành nào khác của Việt Nam có thể sánh ngang được.

Đây cũng là trường hợp vô cùng hy hữu trên thế giới, đúng như đánh giá của UNESCO khi vinh danh khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa Thế giới: “Nó là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng và là trung tâm quyền lực chính trị trong suốt 13 thế kỷ cho đến ngày nay... Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục lâu dài như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”, GS,TS.NGND. Nguyễn Quang Ngọc nói.

Sông Hồng là trung tâm của mọi sáng tạo Hà Nội

Quang cảnh Hội thảo

Nói về vai trò của sông Hồng với đô thị Hà Nội, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh sông Hồng là điều kiện tiên quyết, là trung tâm của mọi hoạt động mưu sinh, trung tâm của mọi sáng tạo văn hóa của người Hà Nội. Từ quy hoạch đô thị cho đến kiến trúc phường phố, chợ búa, thương điếm, bến cảng Kẻ Chợ, các làng nghề, phố nghề, các lễ hội, tín ngưỡng, tập quán, từ các trò chơi dân gian đến các hoạt động cung đình, các kỳ công chống ngoại xâm ở Đông Bộ Đầu, ở Chương Dương, Tây Kết, Hàm Tử… tất cả đều có hình bóng hay sự hóa thân của dòng sông Mẹ - sông Hồng. Đố là nét đặc trưng và bản sắc nhất của văn hóa đô thị Thăng Long - Hà Nội cổ truyền.

Sông Hồng luôn giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ quá trình lịch sử - văn hóa của các kinh đô - kinh thành - đô thị cổ truyền trên đất Hà Nội. Đến đầu thế kỷ XXI, sông Hồng từng bước khẳng định trở lại vị trí là trục phát triển chủ đạo của Thủ đô.

“Tựa núi, nhìn sông, hướng ra Biển Đông là mô hình thành tạo, là quy luật biến đổi và là định hướng phát triển của Hà Nội ngày xưa, ngày nay và mãi về sau”, GS,TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Hà Nội là đất tụ thủy, tụ nhân, tụ tài, tụ lực

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh, trên khắp đất nước Việt Nam, không có địa phương nào hội được số lượng lớn với các di sản văn hóa tiêu biểu như ở Hà Nội. Đây là nguồn tài nguyên đặc biệt qúy giá, là nguồn lực hàng đầu cho Hà Nội khai thác xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô.

Hà Nội cũng là đất tụ thủy, tụ nhân, tụ tài, tụ lực, cùng với các lớp cư dân bản địa từ thời dựng nước đầu tiên là các lớp cư dân tứ xứ, anh tài bốn phương đổ về. Hầu hết các giá trị tinh hoa của dân tộc, của giống nòi đều được hội tụ về đây và lan tỏa từ đây.

Đó còn là những người lao động giỏi “khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ”, những nông dân sáng tạo ra những sản phẩm nổi tiếng của đất Kinh Kỳ, những người sản xuất và buôn bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Tiêu biểu cho những người lao động sáng tạo là tổ sư các nghề, là thợ cả, thợ lành nghề, các nghệ nhân được đời đời ca ngợi.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, thành tựu lao động sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội trong vai trò hội tụ và kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc đã kết quyện và định hình thành những phẩm chất nhân cách đặc trưng và truyền thống tốt đẹp.

Đó là tinh thần yêu nước và ý chí tự lập, tự cường; truyền thống đoàn kết và tinh thần nhân ái, hòa hiếu, bao dung; truyền thống lao động sáng tạo; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; truyền thống văn minh thanh lịch trong cuộc sống và trong ứng xử…

"Nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội.

Vì thế phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" - GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...