Khẩn trương thiết kế các cơ chế, chính sách "đặc thù vượt trội"
Các giải pháp chủ yếu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô Hà Nội phải có cái nhìn tổng thể, dài hạn và nhất quán.
Phát biểu tại Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, PGS. TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ.
PGS. TS Bùi Tất Thắng tham luận tại hội thảo |
Theo đó, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ nêu 8 điểm, trong đó có nội dung về hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.
Định hướng xây dựng cơ chế, chính sách là: “hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội; tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực và sớm tổng kết mô hình thí điểm việc thực hiện không tổ chức HĐND cấp phường trên địa bàn Hà Nội, hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới”.
“Vấn đề bây giờ là khẩn trương thiết kế các cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội” cụ thể để thực hiện nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị”- PGS. TS Bùi Tất Thắng lưu ý.
PGS. TS Bùi Tất Thắng cho rằng, Hà Nội đang tiến hành đồng thời ba nhiệm vụ rất quan trọng có tầm ảnh hưởng lâu dài đến sự nghiệp phát triển Thủ đô. Đó là, xây dựng quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo Luật Quy hoạch 2017, trong đó tích hợp tất cả các quy hoạch ngành trên địa bàn Thủ đô và quy hoạch các huyện trước đây; điều chỉnh quy hoạch xây dựng và xây dựng Luật Thủ đô mới, thay cho Luật Thủ đô hiện hành. Các giải pháp chủ yếu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô Hà Nội phải có cái nhìn tổng thể, dài hạn và nhất quán.
Quang cảnh hội thảo |
Hà Nội là Thủ đô, đã từng được Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết riêng và là địa phương duy nhất có Luật riêng (Luật Thủ đô). Vị thế Thủ đô đòi hỏi phải xem Hà Nội là một đơn vị cấp địa phương đặc thù, độc nhất. Các cơ chế, chính sách cho Thủ đô phải bảo đảm cho Hà Nội “có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Những kinh nghiệm quốc tế về cơ chế, chính sách cần tham khảo ở đây là Thủ đô các nước, phải so sánh với Thủ đô các nước chứ không phải chỉ là với các tỉnh/thành phố khác trong nước. Giữa các luật chuyên ngành (quốc gia) và Luật Thủ đô (áp dụng cho một địa phương), có thể sẽ có những điểm khác biệt về cùng một vấn đề. Vì vậy, khi có sự khác nhau về cùng một nội dung giữa các luật chuyên ngành hiện hành thì khi thực thi, sẽ áp dụng Luật Thủ đô.
Vị thế Thủ đô đòi hỏi phải xem Hà Nội là một đơn vị cấp địa phương đặc thù, độc nhất. Các cơ chế, chính sách cho Thủ đô phải bảo đảm cho Hà Nội “có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Bên cạnh đó, Hà Nội là một trong hai TP lớn nhất nước, đang có một số vấn đề nổi cộm phải giải quyết, đặc biệt là lĩnh vực quản lý phát triển đô thị (quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, dự án lớn triển khai chậm gây lãng phí nguồn lực...). Vì vậy, các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội phải thể hiện ở chỗ giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc này…
“Các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội phải thực sự có tính đột phá mới có hy vọng “tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp” để phát triển Thủ đô. Vậy nên hiểu nội hàm “các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội” như thế nào? Vượt trội ở đây cần được hiểu là thông thoáng hơn, dễ thực hiện và khả thi. Vì vậy, các cơ chế, chính sách phải thể hiện rõ hơn tư tưởng đột phá trong xác định quyền hạn, trách nhiệm; “phân cấp, phân quyền cho Thủ đô” và vận dụng những kinh nghiệm tốt trong mô hình chính quyền đô thị ở một số nước trên thế giới”, PGS. TS Bùi Tất Thắng phân tích.