Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch khai thác 40 mỏ vàng gần 30 tấn ở Tây Bắc

Theo đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản, để khai thác 40 mỏ vàng với trữ lượng gần 30 tấn tại Tây Bắc sẽ mất một khoảng thời gian khá dài.

Kế hoạch khai thác 40 mỏ vàng gần 30 tấn ở Tây Bắc

Đoàn chuyên gia, cán bộ trong quá trình thực hiện đề án Tây Bắc, trong đó phát hiện 40 mỏ vàng gần 30 tấn. Ảnh: Cục Địa chất và Khoáng sản cung cấp.

Cụ thể, sau khi công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội" (gọi tắt là Đề án Tây Bắc), nhóm thăm dò và điều tra đã chuyển giao cho phía Quản lý Khoáng sản cùng thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Theo đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản, để khai thác các mỏ khoáng sản trong đó có vàng đã được phát hiện, Bộ Công Thương sẽ đưa vào quy hoạch theo Quyết định 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2023 về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi đưa vào quy hoạch các mỏ khoáng sản, các doanh nghiệp sẽ đăng ký thăm dò và lựa chọn nhà đầu tư để khai thác. Trước khi khai thác, các đơn vị phải đánh giá tác động về môi trường và lên một bản thiết kế phương án khai thác.

"Từ lúc phát hiện tới lúc đưa vào khai thác các mỏ khoáng sản trong đó có vàng là cả một quá trình khá dài. Nhóm điều tra chỉ mới phát hiện và tính toán trữ lượng ở mức độ tài nguyên", đại diện Cục chia sẻ với Báo Lao Động.

Hình ảnh quá trình thăm dò, điều tra khoáng sản. Ảnh: Cục Địa chất và Khoáng sản cung cấp

Hình ảnh quá trình thăm dò, điều tra khoáng sản. Ảnh: Cục Địa chất và Khoáng sản cung cấp

Trước đó, Cục Địa chất và khoáng sản đã thông tin về kết quả Đề án Tây Bắc đã phát hiện và điều tra, đánh giá tiềm năng 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản. Trong đó, thông tin đáng chú ý là đề án này đã phát hiện và đánh giá tiềm năng 40 mỏ vàng phân bố tại các tỉnh: Điện Biên (1), Lai Châu (5), Hà Giang, Yên Bái (2), Cao Bằng (3), Tuyên Quang (8), Lạng Sơn (3), Bắc Kạn (8), Sơn La (2), Thanh Hóa (4), Nghệ An (4).Tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng. Khoáng sản đi kèm có bạc, đồng, antimon.

Theo đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản, kết quả của Đề án Tây Bắc có tác động khá lớn tới sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Giúp cung cấp các thông tin quan trọng phục vụ xây dựng các công trình giao thông, xây dựng cơ bản khác, về các loại đất đá giúp cho việc tìm kiếm các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho nhu cầu của các địa phương.

Kết quả phát hiện, điều tra, đánh giá xác định tài nguyên của 110 mỏ, khu vực mỏ thuộc 25 loại khoáng sản đủ điều kiện để chuyển giao thăm dò, khai thác, cung cấp nguồn nguyên liệu khoáng phong phú, phục vụ nhu cầu các ngành, địa phương trong nước và xuất khẩu. Các kết quả này cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc để định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng trong khu vực, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của Trung ương và địa phương.

Tại các địa phương có các mỏ khoáng sản được phát hiện, đánh giá tài nguyên, khi có các doanh nghiệp đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cũng sẽ được hưởng lợi, có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho lực lượng lao động ở địa phương, tăng ngân sách cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá, Đề án Tây Bắc có ý nghĩa quan trọng, góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững khu vực Tây Bắc.

Sau 8 năm triển khai thực hiện, Đề án đã hoàn thành được khối lượng lớn công việc, nhiều mục tiêu vượt so với mục tiêu đề ra, đặc biệt, đã làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản, đánh giá tài nguyên 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quan trọng.

Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Tây Bắc là khu vực có vị trí chiến lược về địa chính trị, kinh tế và môi trường, đồng thời cũng là nơi có tiềm năng khoáng sản phong phú. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa thực sự hiệu quả, bền vững đang đặt ra những thách thức trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nơi đây.

Do vậy, để phát huy tối đa kết quả điều tra, cũng như phát huy tiềm năng to lớn của tài nguyên khoáng sản, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị các địa phương cần sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản đã được bàn giao để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo khai thác khoáng sản bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...