Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hơn 600 tỉ đồng hỗ trợ giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn KCN

Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non nhưng sau hơn 3 năm triển khai, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xoay quanh vấn đề này.

Hơn 600 tỉ đồng hỗ trợ giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn KCN

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GDĐT. Ảnh: Tô Thế

Ông đánh giá việc thực hiện Nghị định 105 của Chính phủ đã đạt được kết quả như thế nào?

- Thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị triển khai tới các Sở GDĐT, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát và ban hành văn bản giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc của địa phương... để các địa phương có căn cứ vận dụng Nghị định linh hoạt, nâng mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện ngân sách và đáp ứng thực tiễn.

Đến nay, đã có 49 tỉnh/thành phố ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 105; hơn 86.000 trẻ em, 4.666 giáo viên mầm non và 858 cơ sở GDMN độc lập ở địa bàn có KCN đủ điều kiện được nhận hỗ trợ. Số kinh phí đã hỗ trợ tới các đối tượng là hơn 600 tỉ đồng.

Chính sách hỗ trợ đối với GDMN ở địa bàn có KCN đã giúp cha mẹ trẻ là công nhân có thêm phần chi phí để lựa chọn gửi trẻ ở những cơ sở GDMN ngoài công lập bảo đảm chất lượng cũng như các điều kiện về an toàn đối với trẻ...

Theo ông, bên cạnh những mặt đã thực hiện, quá trình triển khai Nghị định 105 còn tồn tại những khó khăn gì?

- Về ban hành chính sách ở địa phương theo thẩm quyền: Nghị định 105 được áp dụng trong Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động đối với nơi tập trung nhiều lao động, nhưng các tỉnh chưa vận dụng các quy định tại Điều 81 Nghị định số 145 để mở rộng đối tượng và địa bàn được thụ hưởng chính sách đặc thù đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều lao động

Việc giải ngân kinh phí hỗ trợ tới trẻ em, GVMN và cơ sở GDMN độc lập ngoài công lập ở một số nơi còn chậm, chưa bảo đảm đúng thời gian theo quy định.

Nguyên nhân việc này là do nguồn nhân lực của Phòng GDĐT ít trong khi khối lượng công việc nhiều, việc thẩm định hồ sơ tốn rất nhiều thời gian; việc xác nhận hồ sơ của bố mẹ làm công nhân ở các công ty còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Công nhân đi làm việc sớm, rất khó gặp được lãnh đạo để trình ký xác nhận... Chưa có các chương trình, đề án dành riêng cho đối tượng trẻ em nhà trẻ từ 6-36 tháng tuổi.

Từ thực tiễn những khó khăn đó, Bộ GDĐT có giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Bộ GDĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện chính sách đối với GDMN ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động theo đúng quy định tại Nghị định số 105, Nghị định số 145 đảm bảo kịp thời và công bằng, không bỏ sót đối tượng.

Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển cơ sở GDMN và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ 6 - 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có KCN giai đoạn 2023-2030”.

Phối hợp với Tổng LĐLĐVN hướng dẫn, đôn đốc tổ chức Công đoàn các cấp có biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc xác nhận nơi làm việc của cha mẹ làm việc tại KCN, KCX, đảm bảo chế độ cho trẻ em và tạo điều kiện để GVMN đủ điều kiện được hưởng chính sách.

Huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế có các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao chất lượng GDMN dành cho con công nhân ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động.

- Xin chân thành cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...