Hiện thực hóa Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII – Để Điện khí trở thành nguồn năng lượng chính cho đất nước.
Vào 07/12/2023, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Doanh nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Diễn đàn Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII”. Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã đồng hành cùng chương trình. Trong năm 2023, PV GAS đã thành công trong việc nhập khẩu, kinh doanh LNG. Đây sẽ là khởi đầu mới nhiều triển vọng cho PV GAS, xác lập vị trí quan trọng trong quá trình chuyển dịch dài hạn sang điện khí LNG, đánh dấu một bước phát triển mới của PV GAS – đơn vị chủ đạo của ngành công nghiệp khí Việt Nam. Đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của PV GAS cũng như PVN trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI nhận định: “Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi về điện khí LNG. Đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ thị trường điện khí LNG”. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng và cơ hội trong phát triển Điện khí LNG tại Việt Nam vẫn đang gặp phải những nút thắt về hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng hạ tầng, quản lý vận hành… Vì vậy, thách thức đặt ra là cần xây dựng cơ chế giá phù hợp, vừa thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, vừa đảm bảo không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu Khí Việt Nam nhận định, phát triển điện khí LNG vừa qua còn gặp nhiều thách thức. Đầu tiên là thị trường tiêu thụ điện tăng chậm so với mục tiêu tại quy hoạch điện.
Tiếp đó là thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thoả thuận pháp lý, kỹ thuật, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án điện khí LNG; thách thức về vấn đề bảo lãnh Chính phủ, bỏ bảo lãnh Chính phủ nhưng các doanh nghiệp lại chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế;
Vấn đề bảo lãnh, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG; vấn đề ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn đang nghiên cứu xem xét; vấn đề cam kết tổng sản lượng;vấn đề cam kết đường dây truyền tải. Thứ tám là nguy cơ mất kiểm soát tiến độ của dự án.
Với những thách thức nêu trên, TS Nguyễn Quốc Thập cũng đã đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm để tháo gỡ, sớm hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất là mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ Điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện VIII.
Nhóm giải pháp thứ hai là sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế và các Bộ Luật, Nghị định hướng dẫn liên quan.
Nhóm giải pháp thứ ba là cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhóm giải pháp thứ tư, Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước vẫn cần cam kết và đảm bảo về khối lượng chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ và tỷ giá sẽ do thị trường quyết định.
Nhóm giải pháp thứ năm là tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế.
Nhóm giải pháp thứ sáu là thay đổi nhận thức và tư duy.
Tổng kết Diễn đàn, các chuyên gia trong ngành cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều đưa ra các ý kiến và giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt để hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII.
Theo đó, cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện VIII. Đó là, xây dựng tập trung, đồng bộ các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG. Bên cạnh đó, cần sớm sửa đổi các Bộ luật để phù hợp với mục tiêu của Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII đã đề ra.