Giải cứu kẹt xe TPHCM bằng 5 dự án BOT gần 60.000 tỉ đồng
TPHCM - 5 dự án nâng cấp Quốc lộ 1, 13, 22, đường trục Bắc - Nam và cầu đường Bình Tiên có tổng vốn gần 60.000 tỉ đồng sẽ triển khai giai đoạn 2025 - 2028.
Đây là các trục đường hiện hữu được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), sau khi Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho phép TPHCM áp dụng.
Quốc lộ 13
Quốc lộ 13 là trục giao thông chính nằm ở cửa ngõ phía Bắc, nối TPHCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và khu vực Tây Nguyên.
Hiện mặt đường chỉ rộng 19 - 27m, gây ùn tắc các giờ cao điểm và ngày nghỉ lễ, Tết, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và cả khu vực.
Dự kiến Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) dài gần 6 km, sẽ được mở rộng kết hợp xây dựng 3,7 km đường trên cao với 4 làn xe, cùng đường song hành phía dưới mỗi bên 3 làn xe.
Tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 14.536 tỉ đồng.
Quốc lộ 1
Đoạn Quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh là cửa ngõ chính từ TPHCM về các tỉnh miền Tây. Đây cũng là đoạn liên kết nhiều trục đường lớn như đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, cao tốc TPHCM - Trung Lương, cũng là tuyến dẫn vào bến xe Miền Tây.
Tuy nhiên, mặt đường hẹp chỉ rộng từ 20 - 25 m với 4 - 6 làn xe, gây ùn tắc nghiêm trọng vào các dịp lễ, Tết.
Dự kiến Quốc lộ 1 (đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) dài 9,3 km sẽ được mở rộng lên 10 - 12 làn xe.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 15.897 tỉ đồng, trong đó hơn 11.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng.
Quốc lộ 22
Quốc lộ 22 là tuyến đường cửa ngõ Tây Bắc duy nhất kết nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), đóng vai trò quan trọng trong giao thương với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, tuyến đường hiện chỉ rộng từ 36 - 40m, với 2 làn ôtô và 1 làn xe máy mỗi bên, dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông gia tăng.
Dự kiến đoạn Quốc lộ 22 dài 8,7 km, điểm đầu tại nút giao An Sương (Quận 12) và điểm cuối tại Vành đai 3 (huyện Hóc Môn), sẽ được mở rộng lên 60 m với 10 làn xe, xây cầu vượt tại các nút giao.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 8.400 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5.269 tỉ đồng.
Cầu đường Bình Tiên
Dự án cầu đường Bình Tiên có tổng chiều dài 3,66 km, bắt đầu từ nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (Quận 6), băng qua đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, đường Cây Sung (Quận 8), kênh Đôi, đường Tạ Quang Bửu và nối vào đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).
Toàn bộ tuyến đường được đề xuất xây dựng trên cao, rộng từ 30 đến 40 m, đáp ứng 4 - 6 làn xe. Tuyến đường có các nhánh kết nối xuống đường Võ Văn Kiệt, Bình Đông, Hoài Thanh, Tạ Quang Bửu và Nguyễn Văn Linh.
Tổng vốn đầu tư khoảng 6.800 tỉ đồng, trong đó hơn 2.878 tỉ đồng dành cho giải phóng mặt bằng.
Cầu đường Bình Tiên giúp tạo thêm trục đường mới từ trung tâm TPHCM ra đường Nguyễn Văn Linh, từ đó kết nối Quốc lộ 50, Quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 TPHCM.
Đường trục Bắc Nam
Dự án đường trục Bắc - Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ) từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, có tổng chiều dài 8,6 km.
Theo đề xuất, dự án xây tuyến đường trên cao dài 7,8 km với 4 làn xe, kết hợp với đường song hành 3 làn xe mỗi bên ở phía dưới. Đồng thời, xây mới nút giao Nguyễn Văn Tạo với cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 8.483 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành nâng cấp, đường trục Bắc - Nam giúp giảm ùn tắc khu Nam và tăng kết nối các tuyến giao thông huyết mạch như Vành đai 2, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành với cảng Hiệp Phước và các khu công nghiệp trọng điểm ở TPHCM và Long An.