Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất xe ưu tiên không bị hạn chế tốc độ, được đi vào đường ngược chiều

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất đề xuất xe ưu tiên không bị hạn chế tốc độ; được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông, đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được.

Đề xuất xe ưu tiên không bị hạn chế tốc độ, được đi vào đường ngược chiều

Một chiếc xe cứu thương bị bảo vệ khóa bánh tại một khu đô thị ở Hà Nội ngày 29.4. Ảnh: Người dân cung cấp

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (5.2024) tới đây.

Dự thảo luật đã quy định chi tiết quyền của xe ưu tiên. Theo điều 27, xe ưu tiên gồm xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe CSGT dẫn đường.

Ngoài ra, xe ưu tiên còn có xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp; đoàn xe tang.

Xe ưu tiên được quyền đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng quân sự, công an, kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe CSGT dẫn đường.

Tiếp đến là xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.

Xe ưu tiên quy định như trên phải lắp đặt còi, đèn ưu tiên theo quy định. Màu của tín hiệu đèn ưu tiên được quy định như sau:

Xe chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đi làm nhiệm vụ, xe của lực lượng quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu có đèn nhấp nháy màu đỏ.

Xe của lực lượng công an, kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe CSGT dẫn đường có đèn nhấp nháy màu xanh và đỏ.

Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ, xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật có đèn nhấp nháy màu xanh.

Xe ưu tiên quy định không bị hạn chế tốc độ; được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông, đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được; riêng đối với đường cao tốc, chỉ được đi ngược chiều trên làn dừng xe khẩn cấp; phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo hiệu tạm thời.

Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường, trạm thu phí phải ưu tiên cho xe ưu tiên qua trạm trong mọi tình huống, không được gây cản trở.

Cũng theo dự thảo luật, Chính phủ quy định cụ thể về quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên và trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại và thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công an quy định các đoàn trong nước và khách nước ngoài đến Việt Nam có bố trí xe CSGT dẫn đường; quy định quy trình dẫn đường của CSGT.

Còn theo Điều 79 của dự thảo luật, người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm chở người bị thương đi cấp cứu. Các xe ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao không bắt buộc thực hiện quy định tại Khoản này.

Hiện tại, nếu gặp những xe ưu tiên như trên mà không nhường đường để xe đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Mức phạt tiền 3.000.000-5.000.000 đồng áp dụng đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô.

Mức phạt tiền 600.000-1.000.000 đồng áp dụng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy.

Mức phạt tiền 800.000-1.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết