Cục Hải quan TPHCM giảm gần 5.000 tỷ đồng thu ngân sách
Hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc giúp thu ngân sách của các cục hải quan đều tăng mạnh. Tuy nhiên, thu ngân sách của Cục Hải quan TPHCM - đơn vị đầu tàu về thương mại của cả nước lại giảm gần 5.000 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan , trong nửa đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 370 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này giúp thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 200.460 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nhóm 10 cục hải quan có số thu ngân sách lớn nhất cả nước, hầu hết nguồn thu đều tăng đáng kể. Điển hình, thu ngân sách của Cục Hải quan Hải Phòng đạt gần 34.500 tỷ đồng (tăng 4,01%), Hải quan Hà Nội đạt gần 14.800 tỷ đồng (tăng 5,11%), Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 10.600 tỷ đồng, tăng gần 26%, Hải quan Đồng Nai đạt gần 10.500 tỷ đồng (tăng 13.7%); Thanh Hóa tăng 31,6%; Quảng Ninh tăng 21,2%...
Điều đáng nói, thu ngân sách của Cục Hải quan TPHCM - đơn vị chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thu ngân sách xuất nhập khẩu của cả nước - lại giảm đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm, số thu ngân sách của Cục Hải quan TPHCM chỉ đạt hơn 58.700 tỷ đồng, giảm 7,67% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương khoảng 4.900 tỷ đồng).
Lý giải vấn đề này, Cục Hải quan TPHCM cho biết, trong nửa đầu năm nay kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng, đạt 55,8 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, song một số mặt hàng có số thu ngân sách chủ lực lại suy giảm.
Điển hình như mặt hàng ô tô nguyên chiếc các loại, chiếm tỷ trọng khoảng 13% cơ cấu số thu ngân sách của Cục, tuy nhiên kim ngạch trong nửa đầu năm giảm tới 35,4%. Điều này dẫn đến số thuế phải thu ngân sách giảm gần 45% (khoảng gần 6.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Ổn - Phó Cục trưởng Hải quan TPHCM - cho biết, nguyên nhân khiến xe ô tô nhập khẩu giảm chủ yếu là do cung cầu thị trường và sức mua yếu, lượng xe hơi tồn tại cảng còn rất lớn. Nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao bị cắt giảm thuế, và sẽ còn giảm sâu hơn trong các năm sau theo lộ trình cắt giảm thuế quan đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Một số mặt hàng chịu ảnh hưởng của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (từ 8-10%).
Ngoài ra, hệ thống logistics trên địa bàn TPHCM bị ùn tắc làm tăng chi phí vận tải của doanh nghiệp. Trong khi đó các tỉnh lân cận, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai đẩy mạnh việc phát triển các cảng và các chính sách tạo thuận lợi làm giảm vai trò trung tâm logistics của TPHCM, tiềm ẩn việc dịch chuyển hàng hoá trên địa bàn thành phố sang các tỉnh, thành phố lân cận.
Lãnh đạo Hải quan TPHCM cho biết, để nuôi dưỡng nguồn thu và thúc đẩy dòng chảy thương mại, lãnh đạo cục đã quán triệt tăng cường cải cách hành chính, hiện đại hoá, tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp chống thất thu ngân sách.
Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa cuối năm nay, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng tiếp tục được thực hiện, dự kiến làm giảm thu khoảng 18.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Hải quan thực hiện kỳ hoàn thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô cũng sẽ làm giảm tổng thu khoảng 6.000 tỷ đồng. Đây là những thách thức khá lớn.