Cấp thiết ban hành Nghị quyết Quốc hội về phổ cập GD mầm non cho trẻ 3-5 tuổi
Hàng trăm nghìn trẻ 3-4 tuổi các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, con lao động tự do… đang đứng ngoài phạm vi được hỗ trợ để có thể đến trường.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tóm tắt về việc xây dựng Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. |
Sáng 17/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi (Nghị quyết).
Ban hành Nghị quyết Quốc hội là phương án rất cần thiết, cấp bách
Thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo tóm tắt tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Giáo dục mầm non không chỉ là bước khởi đầu mà còn là nền móng vững chắc cho toàn bộ quá trình phát triển trí tuệ, nhân cách và năng lực học tập suốt đời của mỗi công dân.
Nghị quyết số 42-NQ/TW của Trung ương và Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ: Đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Đây là một bước tiến mạnh mẽ nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ gốc.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ mẫu giáo được đến trường đạt khoảng 93,6%; nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn trẻ 3-4 tuổi tại các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, con công nhân, lao động tự do… vẫn đang đứng ngoài phạm vi được hỗ trợ để có thể đến trường. Điều này chưa bảo đảm nguyên tắc công bằng xã hội trong lĩnh vực giáo dục.
Điều đặc biệt đáng lưu tâm là: Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định phổ cập cho trẻ 5 tuổi, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho nhóm 3-4 tuổi, trong khi yêu cầu định hướng về mặt chính trị đã được đặt ra. Việc sửa Luật cần thời gian và cần có đánh giá toàn diện.
“Vì vậy việc ban hành Nghị quyết Quốc hội lúc này là phương án rất cần thiết, cấp bách; vừa thực hiện Nghị quyết của Trung ương, vừa là đòi hỏi của thực tế”, Bộ trưởng cho hay.
Về cơ sở thực tiễn xây dựng Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Mạng lưới trường lớp mầm non hiện được phủ khắp toàn quốc, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Hằng năm có trên 5,1 triệu trẻ mầm non được huy động đến trường; trong đó tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ là 34,6% và tỷ lệ huy động với trẻ mẫu giáo là 93,6%.
Tuy nhiên, trẻ em 3-4 tuổi ở vùng khó khăn, đối tượng yếu thế chưa được đến trường với tỷ lệ cao, gây mất công bằng trong giáo dục. Bên cạnh đó, cả nước còn khoảng 16 nghìn nhóm trẻ độc lập tư thục; các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, điều kiện về đội ngũ giáo viên rất hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
“Nếu phổ cập giáo dục ở tiểu học và THCS nhằm cho các công dân đều đạt đến một chuẩn về kiến thức kỹ năng; thì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi nhằm mục tiêu quan trọng nhất là huy động được trẻ đến trường, chăm sóc, giáo dưỡng tốt nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, theo Bộ trưởng, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã đạt tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo xấp xỉ 100%.
Báo cáo của UNESCO và UNICEF đều nhấn mạnh: Giai đoạn 3-5 tuổi là “thời điểm vàng” để phát triển não bộ, hình thành kỹ năng xã hội, ngôn ngữ, tư duy logic; nếu bỏ lỡ, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình về sau.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Đề xuất 3 nhóm chính sách
Về mục tiêu, quan điểm và định hướng chính sách, Bộ trưởng cho biết: Mục tiêu xuyên suốt là nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng về phát triển chính sách xã hội trong giai đoạn mới; đảm bảo mọi trẻ em 3-5 tuổi trên toàn quốc đều được đến trường; thu hẹp chênh lệch vùng miền, các nhóm đối tượng xã hội.
Những nội dung như quan điểm chỉ đạo, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục tiêu, các chính sách trọng tâm đề xuất trong dự thảo Nghị quyết cũng được Bộ trưởng thông tin.
Theo đó, về quan điểm chỉ đạo: Phổ cập mẫu giáo là trách nhiệm chính trị ưu tiên hàng đầu của Nhà nước, các cấp chính quyền và toàn xã hội.
Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết điều chỉnh các nội dung về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc.
Đối tượng áp dụng: Cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục mầm non (trừ trường có yếu tố nước ngoài), các cá nhân có liên quan; trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Mục tiêu đến năm 2030: 100% các tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mẫu giáo cho trẻ em từ 3-5 tuổi.
Có 3 chính sách trọng tâm đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, đó là: Đầu tư mạng lưới trường lớp; Chính sách đột phá cho đội ngũ giáo viên; Hỗ trợ thiết thực cho trẻ em.
Cụ thể, với chính sách đầu tư mạng lưới trường lớp: Đề xuất chương trình đầu tư riêng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giáo dục, ưu tiên xây mới và nâng cấp trường lớp vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa và các quỹ hợp pháp khác, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước.
Với chính sách đột phá cho đội ngũ giáo viên: Trợ cấp tuyển dụng giáo viên mầm non mới vào hệ thống trường công từ năm học 2025-2026; bổ sung 21.427 chỉ tiêu biên chế, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay…
Về hỗ trợ thiết thực cho trẻ em, đề xuất mở rộng diện được hỗ trợ học phí đến trẻ em học trường dân lập, tư thục là con công nhân tại khu công nghiệp. Việc này đang được thực hiện trong chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc miễn học phí cho học sinh công lập từ mầm non đến THPT. Tăng mức hỗ trợ tiền ăn trưa, hiện nay mới dừng ở mức 7.000 đồng/trẻ/ngày, không đủ để đảm bảo dinh dưỡng tối thiểu trong bối cảnh giá như hiện nay.
“Việc đề xuất Nghị quyết phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG 4) và Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Không gây phân biệt đối xử giới tính, tăng cường bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển. Không phát sinh thủ tục hành chính mới, không tạo thêm chi phí hành chính cho tổ chức, cá nhân”, Bộ trưởng chia sẻ.
Tại phiên họp, cơ bản các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định tầm quan trọng, sự cần thiết ban hành Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi; đồng thời đưa ra những góp ý cho dự thảo Nghị quyết.
Cơ sở chính trị, pháp lý đề xuất Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Hội nghị lần thứ 8, đề ra mục tiêu đến năm 2030 “hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi”.
Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định chủ trương phổ cập giáo dục mầm non, đặc biệt yêu cầu “từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi”.
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW.
Luật Giáo dục hiện hành mới chỉ quy định phổ cập cho trẻ 5 tuổi – cần chính sách chuyển tiếp trước khi sửa Luật.