Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Xây dựng đề xuất gói vay 110.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

Trước thềm hội nghị thúc đẩy hội nghị thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản dự kiến diễn ra vào ngày 17/2, Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ cho vay phát triển nhà ở xã hội.

Hội nghị về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành dự kiến diễn ra vào ngày 17/2. Trong tài liệu chuẩn bị cho hội nghị, một đề xuất đáng chú ý của Bộ Xây dựng là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Bộ Xây dựng cho biết gói tín dụng này sẽ tương đồng gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016 khi thị trường gặp khó khăn. Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp để xây dựng chi tiết hơn.

Bộ Xây dựng đề xuất gói vay 110.000 tỷ đồng nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đề xuất gói vay ưu đãi 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội. Ảnh minh hoạ

Theo chính sách gói 30.000 tỷ trước đây, 70% được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Thời hạn vay tối đa là 10 năm. 30% còn lại dành cho doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Trước đó, năm 2021, Bộ Xây dựng cũng từng nêu đề xuất bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Gói này bao gồm tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến nay, đề xuất này chưa có tiến triển thêm.

Ngoài đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cũng có một số đề xuất khác nhằm phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể, cơ quan này đề nghị sớm có Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Nghị quyết này nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn như vấn đề giao đất, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; chọn chủ đầu tư; ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội; xác định giá bán, thuê, đối tượng và điều kiện hưởng chính sách. Các điểm nghẽn này đang khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không mặn mà với nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, nên xem việc đầu tư nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn trung và dài hạn của địa phương.

Về điểm nghẽn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng đề xuất nới rom tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023, các năm tiếp theo và có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2022 các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở, đặc biệt nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.

Về nhà ở xã hội, thống kê cho thấy trên cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các sở xây dựng.

Với dự án nhà ở công nhân, trong năm 2022, trên cả nước mới có 2 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; 1 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Trước thực tế trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian tới, cơ quan này sẽ phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó, cơ quan này đặc biệt thúc đẩy phát triển đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Thảo Nguyên

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...