Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường lao động, việc làm đối diện nhiều thách thức

Những tháng cuối năm 2023, thị trường lao động, việc làm có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, bức tranh chung của thị trường lao động, việc làm còn đối diện nhiều thách thức.

Thị trường lao động, việc làm đối diện nhiều thách thức

Công nhân một công ty sản xuất bao bì ở Nghệ An. Ảnh: Hải Nguyễn

Những điểm sáng

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14,6 nghìn người so với năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm còn 2,28%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 đạt 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2023 là 68,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2022.

Lao động có việc làm năm 2023 đạt 51,3 triệu người, tăng 683,0 nghìn người (1,35%) so với năm 2022. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2023 là 27,6%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.

So với năm trước, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm có cải thiện. Năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14,6 nghìn người so với năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2023 là 2,28%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 918,5 nghìn người, giảm 79,8 nghìn người so với năm trước.

Thách thức

Theo nhiều chuyên gia, để thị trường lao động, việc làm ổn định và phát triển bền vững, cần nhìn nhận những tồn tại, thách thức thấu đáo để có phương án giải quyết căn cơ. Thậm chí, trong những kết quả đã đạt được cũng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức.

Ví dụ, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2023 là 27,6%, tương đương cả nước vẫn còn 38,0 triệu lao động chưa qua đào tạo. Đây là thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Lũy kế hết năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 14,1 triệu người, chiếm 27,0% lực lượng lao động - con số này được đánh giá là rất thấp.

Về chất lượng, cung lao động còn nhiều hạn chế. Có tới 38 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Trên “nền” trình độ thấp, lao động khu vực phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn (3/5tổng số lao động có việc làm của cả nước).

Quý IV/2023, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi lên tới 7,63%. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,20%, cao hơn 3,91 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Trao đổi với PV Lao Động về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) nhận định, bức tranh thị trường lao động trong thời gian tới có những gam màu sáng. Tuy nhiên, sau giai đoạn trì trệ, thị trường lao động đã hình thành những phân khúc mới, kỹ năng mới. Do đó, để hỗ trợ nhóm lao động bị mất việc trở lại thị trường làm việc, rất cần có nhóm giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng để chuyển dịch cơ cấu việc làm, đảm bảo họ có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc mới.

Chung quan điểm, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho rằng, để hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, cần ban hành dự án cụ thể. Trong các dự án cụ thể, xác định từng nhóm đối tượng, mục tiêu, giải pháp, đặc biệt vấn đề tài chính để thực hiện có hiệu quả các dự án.

Theo ông Trung, trong bối cảnh hiện nay cần có những dự án hỗ trợ người lao động từ khu công nghiệp về quê; dự án phát triển lĩnh vực, ngành nghề mới; Dự án nâng cao hỗ trợ trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện hỗ trợ thông tin thị trường lao động; Dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận nhóm đối tượng quay trở lại làm việc...

Bên cạnh đó, cần có nhóm dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, nâng cao bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; Dự án cho nhóm người đã có nghề, chỉ cần đi vào đào tạo thực chất bồi dưỡng chứ không cần văn bằng, chứng chỉ; Nhóm dự án cho người nghỉ việc lâu ngày cho người quay trở lại thị trường lao động; Nhóm hỗ trợ cho lao động phi chính thức…

Phát biểu tại Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, dự báo thị trường lao động thời gian tới phải dựa vào dự báo phát triển kinh tế - xã hội.

“Thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là đối với những ngành hàng, lĩnh vực thâm dụng lao động nhiều, nhất là những ngành như giày da, dệt may, túi xách xuất khẩu”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Cũng theo ông Dung, Việt Nam có thị trường lao động quy mô 51,2 triệu người thời điểm tháng 6.2023 nhưng tỉ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000 người; giãn việc, mất việc là trên 506.000 người.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết