Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường chứng khoán điều chỉnh là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

Thống kê lịch sử cho thấy, chứng khoán có xác suất và mức độ tăng giá cao nhất trong giai đoạn 3 tháng tới 1 năm sau các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị. Do đó, thị trường chứng khoán điều chỉnh có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

2825-chyng-khoan-mua-cy-phiyu

Ảnh minh họa

Thị trường sẽ sớm ổn định sau các cuộc xung đột chính trị

Báo cáo chuyên đề công bố mới đây của Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) chỉ ra, sau khi sụt giảm mạnh trong phiên ngày 24/2 khi xung đột Nga – Ukraine leo thang chiến tranh, các chỉ số chứng khoán thế giới đều ghi nhận sự phục hồi mạnh trong phiên ngày 25/2. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,9%, trong khi chỉ số Shanghai Composite và VN-Index tăng lần lượt 0,6% và 0,3%.

Tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán đồng loạt tăng mạnh với chỉ số MOEX tăng 4,9%, FTSE 100 tăng 3,9% và DAX tăng 3,7%. Chỉ số chứng khoán Mỹ có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, với chỉ số S&P tăng 2,2% còn chỉ số Dow Jones tăng 2,5% trong phiên ngày 25/2.

Thống kê lịch sử cho thấy, chứng khoán (đại diện bởi chỉ số S&P 500) có xác suất và mức độ tăng giá cao nhất trong giai đoạn 3 tháng tới 1 năm sau các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị.

Điều này chỉ ra rằng các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị khó có thể cản trở đà tăng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.

2217-cy-hyi-vang

Chứng khoán có mức tăng giá cao nhất giai đoạn 3 tháng tới 1 năm sau các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị. (Nguồn: VNDirect).

Cơ hội “vàng” để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

Nhóm phân tích cho rằng tình hình căng thẳng Nga-Ukraine có thể sớm đạt đỉnh và hạ nhiệt. Do đó, thị trường chứng khoán điều chỉnh có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ trung hạn trong vòng 3 - 12 tháng tới.

Tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ không lớn. Hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan) và hai nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Xung đột giữa Nga-Ukraine có thể khiến áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng lên khi “giá dầu và khí đốt” có thể neo ở mức cao. Tuy vậy, vẫn duy trì dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2022 sẽ được kiểm soát ở mức 3,4%, đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% như Quốc hội đã đề ra.

Việt Nam sẽ vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bao gồm gói kích thích kinh tế được thông qua hồi đầu năm và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

Đây sẽ là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới, từ đó tạo xung lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong năm 2022.

Phương Thảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...