Nỗi lo tăng giá sau tăng lương hưu của người già
Bên cạnh niềm vui khi được lĩnh lương hưu tháng 8 và truy lĩnh phần tăng thêm của tháng 7, người già lo lắng giá cả tăng theo khiến đồng lương chênh vênh trong chi tiêu...
Tăng phần nào hay phần ấy
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đơn vị này bắt đầu thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của tháng 8.2023 và truy trả số tiền chênh lệch tăng thêm của tháng 7.2023 theo mức mới cho hơn 3,3 triệu người hưởng trên toàn quốc vào ngày 14.8.
Theo cơ quan này, tại kỳ chi trả tháng 8.2023, ngoài 100% người hưởng nhận chế độ qua tài khoản cá nhân, hơn 2,1 triệu người hưởng còn lại lĩnh trực tiếp bằng tiền mặt tiếp tục được cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với Bưu điện tổ chức chi trả từ ngày 14.8 đến những ngày tới (tùy theo lịch cụ thể của từng địa phương đã thông báo tới người dân).
Chị Nguyễn Ngọc Ánh - nhân viên phụ trách điểm chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội phường Dịch Vọng Hậu cho biết, địa điểm này là một trong những điểm có đông người dân đến nhận 2 khoản tiền này trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Để công tác chi trả diễn ra suôn sẻ, các nhân viên có mặt tại điểm từ 5h30 sáng, nhận tiền từ ngân hàng. Các khâu chuẩn bị phải thực hiện nhanh chóng. Giờ bắt đầu thực hiện chi trả là 7h30 phút, nhưng thông thường, khi nhân viên hoàn thành khâu chuẩn bị, sẽ trực tiếp chi trả luôn cho người dân - từ 6h30 phút.
“Phần tăng lương từ ngày 1.1.2022 trở về trước là 12,5%; còn sau ngày 1.1.2022 đến 1.7.2023 thì sẽ được tăng lên 20,8%. Chúng tôi là người chi trả trực tiếp nên phải nắm được các thông tin đó để giải thích cho các ông bà. Trong bảng lương hàng tháng của các ông bà cũng thể hiện rõ số tiền lương mới, phần chênh lệch giữa tháng 8 và tháng 7 là bao nhiêu tiền; tổng số tiền thực lĩnh là bao nhiêu tiền” - chị Ánh cho hay.
Tại điểm chi trả lương hưu phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, người dân hồ hởi đến từ rất sớm chờ đến lượt lĩnh lương. Ở tuổi 89, ông Nguyễn Văn Dung (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã có mặt tại điểm chi trả này từ 6h30.
Vợ ông sức khỏe kém, khó đi lại, ông Dung lĩnh lương cho cả của ông và bà. Tổng số tiền lương của ông và bà là khoảng 8,2 triệu đồng/tháng. Tuổi cao, sức yếu, lại mang nhiều bệnh tật nên vợ chồng ông chi 2/3 số tiền lương hưu để mua thuốc, còn lại dùng để ăn uống, sinh hoạt. Được tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội 20,8%, ông Dung vui vì cuộc sống đỡ khó khăn hơn.
"Được tăng lương hưu phần nào chúng tôi thấy vui phần ấy. Tôi dùng số tiền lương hưu chủ yếu để mua thuốc; còn lại bao nhiêu tiền thì ăn bấy nhiêu. Đơn giản thế thôi!” - ông Dung nói.
Nỗi lo tuổi già
Bà Đỗ Tuyến (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) đã ở tuổi 73. Do gặp khó khi sử dụng thẻ ngân hàng để rút tiền lương hưu, bà Tuyến vẫn đến điểm chi trả lương hưu. Mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt, bà Tuyến cũng không giấu nổi vui mừng khi nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội ở mức mới.
“Lương hưu được tăng - ai cũng phấn khởi. Nhưng chúng tôi lăn tăn là lương tăng, đồng thời giá cả thị trường, các mặt hàng tiêu dùng khác sẽ cùng tăng theo. Người già ăn uống không đáng là bao, chủ yếu là tiền thuốc thang để khỏi phiền con cháu” - bà Tuyến tâm sự.
Để người hưởng được nhận chế độ sớm nhất, thực hiện Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29.6.2023 của Chính phủ, toàn ngành BHXH Việt Nam từ Trung ương đến địa phương tập trung đảm bảo đầy đủ các điều kiện tốt nhất về nhân lực, phần mềm, kinh phí… kịp thời chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của tháng 8.2023 và truy trả số tiền chênh lệch tăng thêm của tháng 7.2023 theo mức hưởng mới.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bưu điện thông tin rộng rãi tới người hưởng trên địa bàn về: Nội dung thay đổi mức hưởng, thời gian chi trả; chuẩn bị tối đa nhân lực… để công tác chi trả diễn ra thuận lợi, kịp thời, an toàn, đúng đối tượng.