Giảm giá hơn nửa tỉ đồng, chủ nhà vẫn lời gấp đôi khi rao bán tài sản
Căn nhà rao bán giá 7.5 tỉ đồng, diện tích 100m2 tại một khu đô thị thuộc khu Đông Tp.HCM. Mức giá này đã giảm hơn 500 triệu đồng so với thời điểm đầu năm 2022.
Theo tiết lộ của môi giới BĐS, đây là căn nhà được rao bán nhiều lần thời điểm trước Tết nguyên đán nhưng chưa có giao dịch. Vào cuối năm 2022, chủ nhà rao bán giá 8 tỉ đồng/căn. Mức này thấp hơn giá thị trường khu vực 5%. Do chưa bán được nên mới đây chủ nhà “hạ giá” còn 7.5 tỉ đồng. Khá nhiều môi giới nhận nguồn hàng này để rao bán. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có người “xuống tiền”.
4 lần rao bán mảnh đất 90m2 cũng là từng ấy thời gian, anh Việt (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) giảm thêm giá để mong ra được hàng. Mức giảm lần lượt cho các đợt là 20, 50, 100 và 150 triệu đồng. Tính ra, với mức rao bán 4.5 tỉ đồng/nền (đã giảm so với giá thị trường) thì mảnh đất của anh Việt vẫn tăng 2 tỉ đồng so với thời điểm mua vào năm 2017. Tuy vậy, nếu so với các mảnh đất cùng vị trí và khu vực đây là mức giá hợp lý, thậm chí bằng với giá thời điểm cuối năm 2020. Theo một môi giới, để các nhà đầu tư bán dưới giá vốn rất khó. Đa phần họ sở hữu tài sản từ lâu. Hiện cần dòng tiền nên giảm kì vọng lợi nhuận từ 50-500 triệu đồng (tuỳ vào loại hình BĐS).
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Savills Việt Nam đã nhấn mạnh trong cuộc trao đổi mới đây: Không có chuyện chủ đất giảm giá sâu hay cắt lỗ. Đó có chăng là “chiêu trò” rao bán BĐS. Đa phần là họ cắt lãi kì vọng. Mức giá bán ra vẫn là giá lời. Cũng theo bà Trang, nhìn về dài hạn, giá BĐS không bao giờ giảm. Riêng trong năm 2023, nguồn cung BĐS ra thị trường vẫn hạn chế, giá BĐS ở một số khu vực đi ngang hoặc tăng nhẹ. Việc nhà đầu tư rao bán cắt lỗ ở một vài sản phẩm, khu vực không đại diện cho toàn thị trường.
Cùng quan điểm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho hay, không nên nhìn bối cảnh thị trường từ những mảnh đất ở vùng xa xôi, không có cơ sở, tiềm năng phát triển trong tương lai để đánh giá mức độ tăng/giảm giá của toàn thị trường. Thực tế suốt thời gian qua, giá BĐS không giảm. Việc thương lượng giá vẫn diễn ra ở các BĐS, ở từng khu vực, phân khúc nhưng không phải trên toàn thị trường.
Một chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra, tâm lý chờ đợi BĐS giảm giá để mua là điều dễ hiểu. Về mặt nguyên lý, sau mỗi đợt khủng hoảng giá bất động sản sẽ giảm là đúng. Nhưng về mặt thực tế thì chưa hẳn. Có 3 đặc thù của thị trường BĐS khiến việc chờ đợi giá nhà đất giảm mạnh để mua là không dễ.
Thứ nhất, tính sở hữu tài sản của người Việt còn rất cao. Khi mà tính sở hữu cao sẽ tạo ra nhu cầu lớn. Do đó, lượng cầu nhìn chung trên thị trường BĐS hiện nay vẫn còn rất lớn và hiện hữu.
Thứ hai, BĐS luôn là kênh trú ẩn hàng đầu. Khách quan mà nói, với văn hóa phương Đông, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng. Bởi các yếu tố như: Khi mua bất động sản, chuyển hóa từ tiền thành tài sản; đây là tài sản có khả năng tăng giá trong tương lai. Dường như rất ít trường hợp mua bất động sản bị lỗ; BĐS không chỉ là miếng đất, đó còn là tài sản khai thác cho thuê được.
Thứ ba, đặc tính của thị trường Việt Nam vẫn là kinh tế tiền mặt, tích lũy của người Việt rất nhiều. Mục tiêu tích lũy của người dân là mua được căn nhà, miếng đất để làm của để dành, để ở…Tiền tích lũy của người dân trong ngân hàng là khá nhiều, cho nên việc tìm kiếm cơ hội ở bất động sản là điều dễ thấy. Và, bản thân những người có tiền cũng như am hiểu về bất động sản, họ sẽ rất biết cách chớp cơ hội để “tiền đẻ ra tiền”.
Quan sát thị trường suốt thời gian qua cho thấy, các nhà đầu tư đã có kinh nghiệm nhiều hơn trước. Họ đa phần có tích luỹ tốt, không vào thị trường một cách xô bồ hay liều lĩnh như giai đoạn trước. Vì thế, thay vì bán đổ bán tháo tài sản, những nhà đầu tư này có thể xoay sở được. Hoặc bán được càng tốt hoặc sẽ có phương án tài chính khác khi tài sản chưa có thanh khoản. Đó là lý do, nhiều nhà đầu tư dù khá bí dòng tiền nhưng không dễ dàng để họ cắt lỗ hay giảm giá sâu. Điều này cũng dễ nhận thấy từ tổng quan thị trường BĐS hiện nay.