Giá xăng trong nước sẽ tiếp tục tăng?
Từ 1/4/2022, các mặt hàng xăng dầu đã được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhưng đến nay giá xăng vẫn liên tục tăng cao và lập mức kỷ lục trong kỳ điều hành ngày 11/5 vừa qua.
Ảnh minh họa |
PGS-TS Nguyễn Thưởng Lạng, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu còn nhiều biến động, cơ quan điều hành cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt hơn như tiếp tục giảm thuế, phí, thậm chí chấp nhận hoà vốn, giảm thu ngân sách đồng thời các cơ quan này có trách nhiệm chống găm hàng, đầu cơ, mở kho dự trữ xăng dầu, tăng sản lượng xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, mở rộng nhập khẩu xăng dầu từ các đối tác mới.
Về lâu dài, ông Lạng cho rằng, cơ quan quản lý cần chiến lược ổn định bền vững giá xăng dầu, bổ sung quy định pháp luật về an ninh năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng. Trong đó, chiến lược cần bảo đảm nguồn dự trữ dài hạn, tăng quy mô dự trữ và năng lực ổn định đạt ít nhất 6 tháng.
Ông Lạng đề xuất, Việt Nam nên tìm kiếm thêm các kênh nhập khẩu (từ thị trường ngách, tiểu ngạch từ các nước trong và ngoài khu vực). Việc mở rộng số đầu mối nhập khẩu sẽ giúp Việt Nam tránh bị tác động của nhóm đầu mối lớn. Ngoài ra, Chính phủ cần kêu gọi người dân, doanh nghiệp tiết kiệm xăng dầu, sử dụng xăng dầu hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, xăng dầu tăng giá gần 50% so với cùng kỳ năm trước là nguyên nhân lớn kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm tăng 2,1%. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ kéo theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải.
TS Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, Bộ Công Thương có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.
Kết thúc quý I/2022, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang âm gần 170 tỷ đồng khi kết thúc quý I/2022
Theo đó, quý I năm 2022, từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/3, tổng số trích Quỹ bình ổn giá là 601,780 tỷ đồng, tổng số sử dụng Quỹ bình ổn giá là 1.671,421 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá dương trong quý I năm 2022 là 1,637 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá âm trong quý I năm 2022 là 499 triệu đồng.
Trước đó số dư Quỹ bình ổn giá tại thời điểm 31/12 là 898,582 tỷ đồng.
Số quỹ âm lớn nhất thuộc về Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), lên tới 1.095 tỷ đồng. Tiếp sau đó là quỹ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 414,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Petro Bình Minh âm 110 tỷ đồng…
Bộ Tài chính cho biết, việc công khai quỹ bình ổn giá nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 và Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 (sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Phương Thảo