Giá xăng dầu hôm nay 4/7/2022: Một tuần đầy biến động mạnh
Áp lực giảm giá đối với dầu thô còn đến từ thông tin dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần trước đã tăng mạnh. Cụ thể, theo dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng tới 5,6 triệu thùng và dự trữ xăng tăng 1,2 triệu thùng vào tuần trước. Tuần qua, giá xăng dầu đã ghi nhận tuần biến động mạnh.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 27/6/2022 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 106,59 USD/thùng, giảm 1,03 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 112,06 USD/thùng, giảm 1,06 USD/thùng trong phiên.
Nhưng ngay trong phiên giao dịch sau đó, khi lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn nữa được dấy lên khi G7 xem xét áp trần giá năng lượng của Nga. Theo nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank of Australia, quyết định trên của G7 nếu được áp dụng sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô và các sản phẩm tinh chế toàn cầu.
Ảnh minh họa |
Động thái này của G7 nếu được áp dụng sẽ buộc nhiều nước phải tìm kiếm các nguồn cung dầu thô mới. Tuy nhiên, trong khi các nước OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng thì việc bổ sung thêm nguồn cung dầu từ Iran, Venezuela cần phải có các cuộc đàm phán bởi cả 2 quốc gia này đều đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 28/6/2022 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 110,39 USD/thùng, tăng 0,82 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 27/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2022 đã tăng tới 3,8 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 115,91 USD/thùng, tăng 0,82 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 3,85 USD so với cùng thời điểm ngày 27/6.
Khi thông tin tiêu cực về GDP trong quý I/2022 của Mỹ được công bố với mức giảm 1,6%, trái ngược hoàn toàn so với mức tăng …., giá dầu ngày 30/6 đã quay đầu giảm mạnh.
Mặc dù vậy, trong phiên giao dịch cuối tuần, khi lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt hơn nữa lại được dấy lên và được dự báo có nguy cơ trầm trọng hơn, giá dầu lại quay đầu tăng mạnh.
OPEC+ cho biết sẽ không tăng sản lượng thêm trong tháng 9, thay vì mức kỳ vọng 648.000 thùng/ngày được thực hiện trong tháng 7 và 8 sẽ được đưa về mức 432.000 thùng/ngày.
Áp lực thiếu hụt nguồn cung còn lớn hơn khi nghiệp đoàn Lederne ở Nauy cho biết 74 công nhân làm việc ở các giàn khoan dầu ngoài khơi Gudrun, Oseberg South và Oseberg East của công ty Equinor, sẽ đình công từ ngày 5/7, và nó có khả năng làm giảm sản lượng khai thác khoảng 4%.
Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 108,46 USD/thùng, tăng 2,76 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 111,16 USD/thùng, tăng 2,36 USD/thùng trong phiên.
Dù có phiên giao dịch cuối tuần tăng mạnh, nhưng tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu Brent vẫn giảm khoảng 1,3%, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 0,8%.
Với những diễn biến trong tuần giao dịch từ ngày 27/6, giá dầu tuần tới được dự báo sẽ tiếp tục leo dốc khi mà nguồn cung dầu thô không được cải thiện, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo sẽ phục hồi mạnh vào mùa hè nắng nóng khắc nghiệt và mùa du lịch tại các nước vào cao điểm.
Tại thị trường trong nước, chiều ngày 1/7, Liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính quyết định, thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít và dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 800 đồng/kg và không trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 và dầu diesel (như kỳ trước). Đồng thời, không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 30.891 đồng/lít (giảm 411 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.872 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 32.763 đồng/lít (giảm 110 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 29.615 đồng/lít (giảm 404 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 28.353 đồng/lít (giảm 432 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 19.722 đồng/kg (giảm 1.013 đồng/kg so với giá bán hiện hành).
Như vậy, sau 7 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tăng mạnh liên tiếp, hôm nay là lần liên tiếp giá xăng dầu thông dụng được điều chỉnh giảm nhẹ. Nhưng với những diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, việc giá xăng dầu có thể giảm liên tiếp trong thời gian tới rất khó xảy ra. Nguy cơ giá xăng dầu tiếp tục giữ mức giá cao từ nay đến cuối năm đang tạo áp lực rất lớn đối với việc kiểm soát lạm phát và đời sống người dân khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng cao.
Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của CPI tháng 6 được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 2016-2022.
Theo cơ quan này, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6 tăng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.
Minh Phương