Giá thép xây dựng hôm nay 3/3: Tăng trở lại trên mức 4.900 nhân dân tệ/tấn
Giá thép hôm nay 3/3, tăng 69 nhân dân tệ lên mức 4.919 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải.
Ảnh minh họa. |
Giá thép hôm nay giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 69 nhân dân tệ lên mức 4.919 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h20 (giờ Việt Nam).
Vào hôm thứ Tư (2/3), giá thép kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải (SHFE) tại Trung Quốc, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất lớn nhất thế giới, đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tuần.
Nguyên nhân xuất phát từ kỳ vọng xung đột Nga - Ukraine sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với thép Trung Quốc ở nước ngoài trong thời gian tới.
Theo đó, hợp đồng thép cuộn cán nóng SHHCcv1 giao tháng 5/2022, được sử dụng trong sản xuất thùng xe và thiết bị gia dụng, đã kết thúc giao dịch ban ngày cao hơn 2,1% ở mức 5.138 nhân dân tệ/tấn (tương đương 814,06 USD/tấn).
Trước đó trong phiên, hợp đồng này đã chạm mức 5.158 nhân dân tệ/tấn. Đây là mức cao nhất theo ghi nhận kể từ ngày 11/2.
Tương tự, giá thép cây xây dựng SRBcv1 tăng 1,8% lên 4.860 nhân dân tệ/tấn, sau khi đạt đỉnh 4.893 nhân dân tệ/tấn - mức cao nhất kể từ ngày 14/2.
Theo các nhà phân tích của Huatai Futures, Nga đang đối mặt với làn sóng trừng phạt kinh tế chưa từng có từ các đồng minh phương Tây vì cuộc tấn công Ukraine.
Hiện tại, Nga chiếm khoảng 10% thương mại thép toàn cầu, trong khi Ukraine chiếm 4%.
Việc nguồn cung bị gián đoạn sẽ buộc một số người mua lớn phải tìm kiếm các nguồn thay thế và hiện tại chỉ có Trung Quốc mới có thể lấp đầy khoảng trống thị trường khổng lồ này.
Các nhà phân tích cho biết, triển vọng nhu cầu thép trong nước tăng cũng hỗ trợ giá, trước thềm cuộc họp quốc hội thường niên của Trung Quốc vào thứ Bảy (5/2).
Tại cuộc họp này, Trung Quốc có khả năng công bố thêm các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng một cách chậm chạp.
Giá thép cao hơn đã thúc đẩy sự quan tâm đến các nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt và than cốc.
Sự gián đoạn đối với xuất khẩu quặng sắt từ Nga và Ukraine cũng được cho là đã thúc đẩy một số người mua châu Âu tìm kiếm các nguồn thay thế, có khả năng thắt chặt nguồn cung toàn cầu, Reuters đưa tin.
H.Quân