Giá hồ tiêu hôm nay 28/4/2022: Thị trường xuất khẩu giảm sốc
Giá hồ tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 76.000 – 78.500 đồng/kg. Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 81% trong quý I, chỉ đạt 2.138 tấn, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk có giá ở mức 77.000 đồng/kg; Bình Phước có giá thu mua là 77.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 78.500 đồng/kg.
Kể từ đầu năm đến nay, giá hồ tiêu đã khởi sắc trở lại sau nhiều năm chạm đáy, mức cao nhất dao động 84.000 - 87.000 đồng/kg vào giữa tháng 2. Tuy nhiên, bước vào cuối vụ thu hoạch niên vụ 2022, giá tiêu lại có xu hướng lao dốc, tuột mốc 80.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa |
Theo Vietnambiz, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, việc thị trường Trung Quốc giảm mua là một trong những nguyên nhân khiến giá tiêu trong nước giảm.
Theo ông Bính, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc rất lớn, mỗi năm nước này nhập khẩu của Việt Nam khoảng 40.000 – 50.000 tấn tiêu. Tuy nhiên, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã khiến cho các hoạt động xuất khẩu tiêu qua đường cửa khẩu chậm và khó khăn, sản lượng xuất khẩu giảm đáng kể.
Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 81% trong quý I, chỉ đạt 2.138 tấn, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Bên cạnh đó, ông Bính cho rằng ở thời điểm này, nhu cầu bán ra đang cao hơn mua vào. Vụ tiêu năm nay gặp đợt mưa sớm nên nông dân phải bán một phần sản lượng để trang trải chi phí phân bón, chăm sóc… Ngoài ra, giới đầu cơ đang có xu hướng xả kho để thu tiền về.
"Một thời gian nữa, hàng hóa qua cửa khẩu sang Trung Quốc nhanh và thông thoáng hơn, nhu cầu bán tiêu, trang trải vụ mới của nông dân ổn định thì mới hy vọng giá lên, còn hiện nay trông chờ giá tăng là rất khó", ông Bính nói.
Bàn về triển vọng giá tiêu năm 2022, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group cũng cũng cho rằng giá tiêu có thể tăng lên 100.000 đồng/kg nhưng ở thời điểm cuối năm, khi vụ thu hoạch cũ đã qua, vụ mới chưa đến, thị trường khan hiếm hàng cho xuất khẩu.
Với thị trường trong nước hiện đang chững lại trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Theo các chuyên gia, thị trường tháng 5/2022 sẽ không tăng mạnh nếu không có sự tham gia của Trung Quốc.
Còn trên thực tế, ngay trước kỳ nghỉ lễ, nhiều phản hồi trên các diễn đàn hồ tiêu trong nước cho thấy thương lái đã tích cực vào tận vườn hỏi mua với giá cao hơn giá tham khảo trên mạng. Đây là tín hiệu tốt cho giá tiêu quý II/2022.
Triển vọng nào cho thị trường trong thời gian tới?
Nhận định về thị trường hồ tiêu trong thời gian tới, VPA cho biết sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2022 tiếp tục giảm và chạm mức thấp nhất trong nhiều năm qua, đặc biệt là sản lượng ở Việt Nam giảm năm thứ 3 liên tiếp đã kéo theo giá hồ tiêu tăng so với năm trước. Cán cân cung cầu năm 2022 chuyển dần về trạng thái cân bằng.
Tuy nhiên, nếu không có sự tham gia mạnh của yếu tố đầu cơ thì mức tăng giá có thể không mạnh do tổng lượng tồn và sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu.
Đồng thời, kỳ vọng giá tăng đang khuyến khích nông dân chăm sóc và đầu tư vườn tiêu, do đó nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì sản lượng hồ tiêu có khả năng tăng ở Việt Nam và Brazil trong năm sau.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và lãi suất ngân hàng cũng theo chiều hướng tương tự. Sự gia tăng lãi suất ngân hàng và các chi phí kho bãi gây bất lợi cho việc đầu cơ dài hạn. Đây cũng là những yếu tố góp phần thúc đẩy giá tăng trong thời gian tới.
Áp lực giá xăng dầu làm cho chi phí vận tải đường biển đang neo ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn, chưa kể tình trạng kẹt cảng, thiếu container vẫn còn tiếp diễn. Theo thông báo mới nhất của Hãng tàu ONE, từ tháng 3/2022 giá cước đi châu Âu (đang vào khoảng 7.300 USD cho mỗi container 20 feet) sẽ tăng thêm từ 800 - 1.000 USD.
Dự báo giá xăng dầu từ nay đến cuối năm vẫn còn tăng khi chiến sự Nga và Ukraine vẫn còn diễn ra căng thẳng, do đó VPA khuyến cáo các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc đàm phán ký kết hợp đồng trể tránh rủi ro trong việc giá cước vận tải tăng đột biến.
Đồng thời, VPA cũng cho rằng môi trường kinh tế vĩ mô ở các nước Nam Á, Trung Đông có nhiều bất lợi, nhất là vấn đề tiền tệ, cần cẩn trọng khi giao dịch.
Sản xuất hồ tiêu Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với các nguyên nhân khách quan như sốt giá đất, giá phân, giá thuốc và nhân công tăng. Trong khi đó, quốc gia cung cấp Hồ tiêu lớn thứ 2 toàn cầu - Brazil vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tốt cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.
Sự kiên định của Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách “Zero Covid” không chỉ khiến chuỗi cung ứng nội địa đứt gãy mà còn tác động đến giá hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới khi xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm, đồng thời một số lô hàng hồ tiêu đang bị kẹt ở cửa khẩu có thể sẽ bị bán ngược lại Việt Nam để cắt lỗ sẽ gây áp lực lên giá tiêu trong nước.
Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn vận tải biển có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế của Trung Quốc được nới lỏng bởi sẽ có sự bùng nổ lượng hàng hóa vận chuyển, từ đó tạo sức ép lớn đối với giá cước giao ngay.
Mặc dù vậy, hầu hết các quốc gia đã trở lại bình thường và sống an toàn với Covid. Các chuyến bay quốc tế đã được nối trở lại và các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phục hồi kinh tế.
Do đó, các chương trình XTTM cũng được kỳ vọng sẽ được thực hiện như kế hoạch trong năm 2022 sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với khách hàng sau 2 năm bị gián đoạn.
Thanh Hằng