Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá gạo trong nước đang giảm, giá thịt lợn lại tăng

Giá gạo giảm do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng ổn định. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu giảm khi nhu cầu nhập khẩu của các nước suy giảm cũng tác động vào giá gạo trong nước.

Theo báo cáo của Cục Thống kê (GSO), Bộ Tài chính, trong tháng 4/2025, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tăng 0,07% so với tháng trước chủ yếu do giá nhà ở thuê, giá thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng. CPI tháng Tư tăng 1,37% so với tháng 12/2024 và tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.

GSO cho biết, trong tháng 4/2025 có 8 nhóm hàng hóa tăng, trong đó giá thuê nhà tăng 0,57%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,62%, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,49%.

gao-1.jpg

Giá gạo trong nước đang giảm, giá thịt lợn lại tăng. (Ảnh: STO)

Bên cạnh đó, giá điện sinh hoạt tăng 1% chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện ở các địa phương phía Nam tăng khi thời tiết nắng nóng.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, nguyên nhân chủ yếu do nguyên liệu dược phẩm và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng.

Cụ thể, giá vitamin và khoáng chất trong tháng tăng 0,23% so với tháng trước, nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng 0,15%, nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid và thuốc điều trị gút và các bệnh xương tăng 0,14%.

Cũng trong tháng 4, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,12%. Trong đó, lương thực bất ngờ giảm 0,65%, nhóm thực phẩm tăng 0,17%, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,32%.

Giải thích nguyên nhân giá lương thực bất ngờ tháng trong tháng 4, GSO cho biết: Giá gạo giảm do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng ổn định. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu giảm khi nhu cầu nhập khẩu của các nước suy giảm cũng tác động vào giá gạo trong nước.

GSO chỉ rõ: Chỉ số giá nhóm gạo giảm 0,96%, gạo tẻ thường giảm 1,08%, gạo tẻ ngon giảm 0,68% và gạo nếp giảm 0,27%.

Ngoài ra, giá các mặt hàng lương thực khác giảm theo như: Giá sắn giảm 0,16%, ngũ cốc ăn liền giảm 0,02%, ngũ cốc khác như bột sắn dây và bột yến mạch giảm 0,23%.

Ngược lại với giá lương thực, nhóm thực phẩm có xu hướng tăng, một phần là do giá thịt lợn tăng 0,8% trong tháng 4 do dịch bệnh vẫn bùng phát ở một số tỉnh, thành phố.

Đồng thời, nguồn cung nhập lậu bị siết chặt, nhiều địa phương đã tổng rà soát và lên kế hoạch di dời hoặc dừng hoạt động các trang trại chăn nuôi không đủ điều kiện. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ 30/4 – 1/5/2025.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có chỉ số giá giảm: Chỉ số giá trứng các loại giảm 0,16%, chỉ số giá thủy sản tươi sống giảm 0,09%, thủy sản chế biến giảm 0,02%, chỉ số giá quả tươi, chế biến giảm 0,59%, chỉ số giá rau tươi, khô và chế biến giảm 0,08%.

Cũng theo GSO, bình quân bốn tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 3,05%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,2%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.


Nguồn:https://congluan.vn/gia-gao-trong-nuoc-dang-giam-gia-thit-lon-lai-tang-10289419.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...