Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá dầu giảm khoảng 2% trước quan ngại suy thoái

Giá dầu Brent và WTI giảm lần lượt 1,5% và 1,8%.

Giá dầu giảm gần 2% trong bối cảnh nhà đầu tư quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 1,72%, tương đương 1,5%, xuống 116,26 USD/thùng. Hợp đồng tương lai tháng 8 sẽ đáo hạn trong ngày 30/6. Giá dầu Brent tương lai giao tháng 9 giảm 1,35 USD xuống 112,45 USD/thùng. 

Giá dầu WTI tương lai giao tháng 8 giảm 1,98 USD, tương đương 1,8%, xuống 109,78 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) công bố dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm trong tuần trước dù công suất khai thác tăng cao nhất kể từ tháng 4/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát. Dự trữ nhiên liệu tăng trong bối cảnh các công ty lọc dầu đẩy mạnh sản xuất với công suất lên tới 95%, cao nhất trong giai đoạn này 4 năm gần đây.

“Báo cáo của EIA tác động tiêu cực lên giá dầu. Dự trữ xăng và dầu chưng cất tại Mỹ tăng trong tuần qua. Bên cạnh đó, công suất khai thác của quốc gia này ở ngưỡng cao, phần nào giúp làm giảm áp lực tăng giá dầu”, John Kilduff, Chuyên gia tới từ Again Capital LLC, chia sẻ.

Dự trữ nhiên liệu tại Mỹ tăng khiến cho giá xăng và dầu chưng cất tương lai giảm lần lượt 3% và 4%.

Giá dầu Brent và WTI tăng khoảng 7% trong 3 phiên giao dịch trước đó trong bối cảnh nhà đầu tư quan ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

 

“Với việc có tới 1/5 sản lượng dầu mỏ toàn cầu được khai thác tại các quốc gia hứng chịu trừng phạt (Iran, Venezuela và Nga), chúng tôi cho rằng không có một giải pháp cấm vận toàn diện nào trong bối cảnh thị trường khó khăn như thời điểm hiện tại”, theo nội dung báo cáo nghiên cứu của JP Morgan.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng quan ngại về triển vọng tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu sau khi nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để đối phó với lạm phát.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không để tình trạng lạm phát cao kéo dài, dù điều đó đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ được nâng lên ngưỡng buộc kinh tế Mỹ phải đánh đổi tăng trưởng, theo Chủ tịch Jerome Powell.

Bộ Thương mại Mỹ vừa cập nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong quý I. Theo đó, GDP của Mỹ giảm 1,6%, và nền kinh tế số 1 thế giới sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật nếu như không thể đạt được tăng trưởng dương trong quý II này.

Sự bất ổn trên thị trường dầu mỏ và khí đốt toàn cầu sẽ vẫn tiếp diễn trong bối cảnh dư địa khai thác không còn nhiều, trong khi đó, nhu cầu toàn cầu vẫn trên đà hồi phục, Ben van Beurden, CEO Shell PLC, nhận định.

Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) bắt đầu từ ngày 29/6 và sẽ kết thúc một ngày sau đó. Nhiều chuyên gia nhận định nhóm này sẽ không thay đổi kế hoạch sản lượng trong cuộc họp lần này.

Các chuyên gia cũng quan ngại về việc Saudi Arabia và UAE không còn đủ công suất khai thác để bù đắp cho dầu Nga. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng UAE cho biết, quốc gia này có thể gia tăng công suất lên trên ngưỡng trên 3,17 triệu thùng/ngày theo kế hoạch của OPEC+, tuy không nhiều.

Tình hình bất ổn chính trị tại Ecuador và Libya sẽ tiếp tục khiến cho nguồn cung gặp khó trong thời gian tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...