Giá cao su hôm nay 19/4/2022: Biến động trái chiều
Ghi nhận vào lúc 7h ngày 19/4 (theo giờ Việt Nam), giá cao su hôm nay trên hai sàn giao dịch tăng giảm trái chiều.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 4/2022 ghi nhận mức 266,5 yen/kg, giảm 1,7% (tương đương 4,6 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h10 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2022 được điều chỉnh lên mức 13.310 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,45% (tương đương 60 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong hai tháng đầu năm 2022, Brazil nhập khẩu 99,3 nghìn tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 211,4 triệu USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 36,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan, Indonesia, Mỹ, Ba Lan, và Nga là 5 thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Brazil trong hai tháng đầu năm 2022, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Brazil, đạt 2,19 nghìn tấn, trị giá 5,15 triệu USD, giảm 15,9% về lượng, nhưng tăng 72% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Brazil trong hai tháng đầu năm 2022 chiếm 2,2%, giảm nhẹ so với mức 2,9% của hai tháng đầu năm 2021.
Trong hai tháng đầu năm 2022, Brazil đẩy mạnh nhập khẩu cao su từ các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Ba Lan, Pháp…; trong khi giảm nhập khẩu từ Mỹ, Nga, Bờ Biển Ngà và Argentina.
Giá cao su tại Nhật Bản đầu tuần tăng do đồng JPY giảm so với đồng USD, song mối lo ngại nhu cầu tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – chậm lại, bởi dịch Covid-19 bùng phát đã hạn chế đà tăng. Như vậy, giá cao su Nhật Bản đã có tuần tăng thứ 5 liên tiếp – chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10/2021.
Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ là 5 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Thái Lan trong hai tháng đầu năm 2022.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tổng hợp của Thái Lan trong hai tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Indonesia tăng mạnh, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam giảm.
Thị trường cao su bị ảnh hưởng sau khi OPEC cho rằng thế giới sẽ không thể thay thế được khoảng 7 triệu thùng dầu và các chất lỏng khác mỗi ngày bị mất từ Nga.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng thị trường cao su tự nhiên toàn cầu vẫn khả quan trong năm 2022. Sản lượng cao su tự nhiên trên thế giới năm 2022 dự kiến tăng 1,9% so với năm 2021, lên mức 14,1 triệu tấn; trong khi tiêu thụ dự kiến tăng 1,2% so với năm 2021, lên mức 14,2 triệu tấn.
Các yếu tố hỗ trợ cho giá cao su bao là điều kiện thời tiết bất lợi có thể làm khan hiếm nguồn cung trong những tháng tới, tốc độ tăng trưởng doanh số bán ôtô khả quan ở các nền kinh tế lớn, nhu cầu găng tay cao su và quần áo bảo hộ cá nhân tăng.
Tuy nhiên, những thách thức có thể ảnh hưởng đến nhu cầu cao su như thiếu chất bán dẫn có thể ảnh hưởng đến sản xuất ôtô, giá dầu thô tăng cao, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Thanh Hằng