Dự báo giá heo hơi tuần tới (23-29/5): Biến động tại một số địa phương
Giá heo hơi hôm nay dao động trong khoảng 54.000 - 60.000 đồng/kg. Giá thu mua thấp nhất tại khu vực miền Trung là 54.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp thông báo sẽ tăng giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Giá heo hơi miền Bắc tuần này tăng 1.000 đồng/kg tại một số địa phương trong khu vực. Theo đó, Hưng Yên nhích nhẹ một giá trong tuần này, hiện giao dịch tại mốc 58.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
Các tỉnh Bắc Giang, yên Bái, Lào Cao, Nam Định,... tiếp tục neo mức 56.000 đồng/kg, không ghi nhận biến động mới. Cùng đi ngang còn có Tuyên Quang khi thương lái tỉnh này thu mua heo hơi với giá 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa |
Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi tuần này đi ngang ở nhiều nơi, chỉ có một số tỉnh thành điều chỉnh nhưng không quá 2.000 đồng/kg. Theo đó, Quảng Bình và Lâm Đồng tăng - giảm 1.000 đồng/kg trong tuần này, hiện giao dịch chung mức 57.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Bình Thuận giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 56.000 đồng/kg, ngang bằng với Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Còn tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Ninh Thuận, heo hơi được thu mua với giá 55.000 đồng/kg, không đổi so với tuần trước.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 54.000 - 57.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi miền Nam tuần này chứng kiến giá thu mua tăng - giảm nhiều nhất là 3.000 đồng/kg. Sau khi giảm từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg so với tuần trước, thương lái các tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang và Vũng Tàu đang thu mua heo hơi trong khoảng 56.000 - 60.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Sóc Trăng, Kiên Giang, Vĩnh Long và Long An hiện giao dịch với giá 56.000 - 58.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg trong tuần này. Tương tự, Cà Mau và Bạc Liêu nhích 3.000 đồng/kg lên mốc 60.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Từ ngày 25/5/2022, giá thức ăn chăn nuôi lại vào đợt tăng mới với mức tăng từ 300 - 400 đồng/kg, gây khó khăn cho người chăn nuôi, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.
Ngày 21/5/2022, Công ty TNHH Tongwei Tiền Giang chính thức phát đi thông báo: Từ ngày 26/5/2022, giá sản phẩm cám heo con và đậm đặc tăng 400 đồng/kg; tất cả các sản phẩm còn lại tăng 300 đồng/kg.
Cùng ngày, Công ty TNHH Sunjin Vina chi nhánh Tiền Giang cũng thông báo tăng giá thức ăn gia súc, gia cầm từ ngày 27/5/2022 với mức tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn hỗn hợp heo con và đậm đặc; tăng 300 đồng/kg với tất cả các sản phẩm còn lại.
Nhìn chung, giá heo hơi tuần này biến động nhẹ ở cả ba miền. Hiện tại, giá khảo sát ở các tỉnh thành dao động trong khoảng 54.000 - 60.000 đồng/kg.
Vì sao Dabaco chưa "có hứng" với mảng xuất khẩu thức ăn chăn nuôi?
Cục Chăn nuôi cho biết Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á về sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổng sản lượng lên tới 20 triệu tấn/năm, song lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này còn khá khiêm tốn, doanh nghiệp lớn chưa mặn mà.
Chia sẻ về vấn đề này tại đại hội đồng cổ đông hồi cuối tháng 4, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco cho biết Việt Nam không có nhiều lợi thế về giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi do tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu lớn.
Kể từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục phi mã vì đứt gãy chuỗi cung ứng, cước vận tải cao và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine.
"Muốn xuất khẩu thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng nguồn nguyên liệu trong nước để nâng cao tính chủ động; đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, quản trị, hoạt động logistics... của các doanh nghiệp trong ngành", Chủ tịch Dabaco nói.
Mặt khác, các sản phẩm chăn nuôi cũng cần được đầu tư nghiên cứu, nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu mới có thể cạnh tranh được với các nước có nền chăn nuôi phát triển. "Do vậy, tôi vẫn đánh giá cao thị trường hơn 100 triệu dân trong nước hơn", ông So nói.
Trong quý I vừa qua, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) ghi nhận doanh thu tăng song lợi nhuận lại giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đó, doanh thu thuần của Dabaco đạt 2.806 tỷ đồng, tăng 13% so với quý I/2021; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 9 tỷ đồng, giảm gần 98%, đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 10 quý gần đây.
Dabaco lý giải trong quý I, ngành chăn nuôi tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn kép cả trên người và vật nuôi từ dịch COVID-19 và dịch trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào và các hoạt động giao thương, vận tải quốc tế.
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và những khó khăn từ dịch bệnh đã làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất và tiêu dùng, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Minh Phương