Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh nhưng nỗi lo chưa giảm

Bức tranh tổng thể ngành dệt may dần phục hồi, đơn hàng tăng trở lại giúp doanh nghiệp cải thiện doanh số, kỳ vọng sớm về đích trong năm 2024.

Doanh nghiệp đủ đơn hàng

Nếu như năm 2023 hầu hết doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém khả quan khi thiếu đơn hàng trầm trọng thì tín hiệu khả quan xuất hiện rõ nét hơn từ quý II năm nay.

Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho biết, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và quý IV/2024 - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.

"Dựa trên những tín hiệu đã có, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng 8-10% so với năm 2023. Riêng với tập đoàn, tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt là ngành sợi, 6 tháng cuối năm kết quả sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn kỳ vọng", ông Hiếu nhận định.

Đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại. Ảnh: Cường Ngô

Đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại. Ảnh: Cường Ngô

Tình hình kinh doanh quý II vừa qua cũng khá tích cực với Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (HTG) khi lãi ròng gần 70 tỉ đồng - mức cao nhất 7 quý gần đây và tăng gấp đôi cùng kỳ. Gộp cả 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp may này lãi sau thuế hơn 113 tỉ đồng, tăng 79%.

Lý giải về tiến triển tích cực, ông Nguyễn Văn Hải - Tổng Giám đốc HTG - cho biết, từ đầu quý II đến nay, thị trường dệt may đã có những chuyển biến tích cực và bắt đầu tăng trưởng. "Nhu cầu và giá bán ngành sợi được cải thiện so với cùng kỳ", ông Hải nói.

Vẫn còn nhiều lo ngại

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, chúng ta có nhiều điểm lợi có thể tận dụng để thúc đẩy xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.

Như là, chính sách lãi suất thấp của EU có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư, dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày và nông sản.

Hay việc giảm 36 khoản phí, lệ phí với mức giảm từ 10-50% áp dụng từ ngày 1.7.2024 đến hết ngày 31.12.2024 có thể giúp doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng với mức giảm 2% sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; người dân giảm chi phí tiêu dùng.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng cho biết hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang đối diện với những khó khăn không nhỏ.

Trong đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine và Israel - Hamas trực tiếp tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu, tạo nên nguy cơ đứt gãy các tuyến đường vận tải trọng yếu của thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ mà còn làm phát sinh thêm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Trước thực tế trên, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương kiến nghị ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ tài chính và ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và mở rộng hoạt động xuất khẩu, nắm bắt và tận dụng cơ hội hiện tại, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết