Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Châu Âu săn lùng loại gia vị đắt thứ 3 thế giới từ Việt Nam: Thu gần 5 triệu USD trong quý 1, trồng trên 3 năm mới cho thu hoạch

Hà Lan, Mỹ là 2 khách 'ruột' của Việt Nam ở mặt hàng này.

 

Châu Âu săn lùng loại gia vị đắt thứ 3 thế giới từ Việt Nam: Thu gần 5 triệu USD trong quý 1, trồng trên 3 năm mới cho thu hoạch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bạch đậu khấu là một loại gia vị đắt đỏ thứ 3 trên thế giới, đứng sau nhụy hoa nghệ tây và vani, thậm chí có thời điểm có giá 9 USD cho 100 gram. Đáng chú ý loại quả này lại có rất nhiều ở Việt Nam và mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong quý 1/2024, xuất khẩu nhóm bạch đậu khấu – nhục đậu khấu (BĐK – NĐK) đạt 546 tấn với kim ngạch đạt 4,9 triệu USD, giảm 41,5% về lượng và giảm 24,6% về kim ngạch. Hà Lan, Mỹ là 2 khách hàng lớn ở nhóm hàng này với lần lượt 205 tấn và 123 tấn.

Trước đó xuất khẩu nhóm quả này trong năm 2023 đạt 3.551 tấn, thu về 27,4 triệu USD với khách hàng chính là Hà Lan, Mỹ và Trung Quốc.

Châu Âu săn lùng loại gia vị đắt thứ 3 thế giới từ Việt Nam: Thu gần 5 triệu USD trong quý 1, trồng trên 3 năm mới cho thu hoạch - Ảnh 2.

Tại Việt Nam, bạch đậu khấu mọc ở các vùng núi cao và có khí hậu mát mẻ như Cao Bằng, Lào Cai... Thông thường, bạch đậu khấu cao khoảng 2 – 3 m và là loài cây sống lâu năm. Hoa của loài cây này màu trắng tím, thường mọc thành cụm ở gốc của thân mang lá. Hoa và quả bạch đậu khấu là những bộ phận được sử dụng làm dược liệu. Trong đó, quả được thu hái ở những cây có tuổi đời ít nhất 3 năm tuổi trở lên.

Nhục đậu khấu có nguồn gốc từ quần đảo Maluku (Indonesia) và được trồng rộng rãi ở các nước vùng nhiệt đới như ở Campuchia, Ấn Độ và Malaysia. Tại Trung Quốc, cây được trồng thử nghiệm và phát triển tốt ở các tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Ở nước ta, cây nhục đậu khấu thường sẽ phổ biến ở các tỉnh miền Nam. Cây có thể thu hoạch sau 7-8 năm, mỗi năm có thể thu hoạch 2 lần vào các tháng 11-12 và tháng 4-6.

Theo Modor Intelligence, quy mô thị trường hạt nhục đậu khấu ước tính đạt 2,74 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 3,59 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,5% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).

Dầu nhục đậu khấu là một trong những loại tinh dầu phổ biến nhất trên thị trường quốc tế. Hạt nhục đậu khấu từ Indonesia và Ấn Độ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu nhờ mùi thơm đặc trưng và hiệu suất dầu cao. Các đồn điền của các hộ sản xuất nhỏ giám sát toàn bộ hoạt động trồng nhục đậu khấu ở Ấn Độ và Indonesia.

Vào năm 2021, tổng xuất khẩu hạt nhục đậu khấu đạt giá trị 1441,39 triệu USD. Guatemala, Ấn Độ và Indonesia là những nhà sản xuất chính và họ chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2021. Các nước Trung Đông như Saudi Arbia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cùng với Mỹ là những điểm đến nhập khẩu chính của hạt nhục đậu khấu và các sản phẩm.

Nhu cầu về hạt nhục đậu khấu tại những thị trường này được dự đoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do mức tiêu thụ ngày càng tăng.

Tại Việt Nam, bạch đậu khấu không chỉ được dùng như gia vị mà còn là vị thuốc Đông y thường dùng trong các vấn đề sức khỏe như chán ăn, đau họng, cảm lạnh, ợ hơi, co thắt bụng... Nhục đậu khấu được dùng làm gia vị phổ biến và được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh Đông y.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...