Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

40% lượng thịt trên địa bàn Hà Nội chưa được kiểm soát chặt chẽ

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nhìn nhận chưa kiểm soát chặt chẽ lượng thịt nhập từ các địa phương vào tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

40% lượng thịt trên địa bàn Hà Nội chưa được kiểm soát chặt chẽ

Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Sáng 9.7, HĐND TP Hà Nội chất vấn về nhóm vấn đề việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ đại biểu số 30) cho biết, theo báo cáo của UBND thành phố, hiện này tổng lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát cung cấp cho thị trường khoảng 550 tấn/ngày, tương đương 60% nhu cầu thịt tiêu thụ của thị trường Hà Nội.

"Ngoài 60% tổng số lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát thì với 40% nhu cầu thịt tiêu thụ còn lại của người người dân Hà Nội có nguồn gốc như thế nào? Giải pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguồn này ra sao?" - đại biểu Trần Khánh Hưng đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn thành phố mỗi ngày rất lớn.

"Mỗi năm trên địa bàn Hà Nội tiêu thụ hơn 550.000 tấn thịt các loại. Lượng chăn nuôi trên địa bàn thành phố đáp ứng khoảng 60%, còn lại nhập từ các tỉnh thành khác hoặc nhập khẩu" - ông Đại nói.

Theo ông Đại, ngoài số lượng của thành phố đã kiểm duyệt ở các vùng, 40% số lượng thịt nhập từ các địa phương vẫn còn trôi nổi, nhập không chính ngạch, nhập lậu, một phần ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

"Chúng ta chưa thực sự kiểm soát tốt số lượng này" - ông Đại nhìn nhận.

Để từng bước kiểm soát tình trạng này, ông Đại đưa ra những giải pháp.

Theo đó, trong năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã và đang xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó đặc biệt lưu ý đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xây dựng thể chế, cơ chế để kiểm soát chặt chẽ hơn, xử phạt nặng hơn, nghiêm minh hơn đối với những trường hợp không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Cùng đó là xây dựng quy hoạch chi tiết cho các vùng phát triển sản xuất chăn nuôi phù hợp. Điều này sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ đầu ra, đầu vào, đặc biệt là chất lượng an toàn thực phẩm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...