Trung Quốc và Nga dẫn đầu thế giới về tốc độ hồi phục tiền lương, các nước giàu còn lại đều bị tụt hậu
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy mức tiền lương đã tính lạm phát trên thế giới vẫn chưa hồi phục lại như thời trước đại dịch do hàng loạt nước giàu vẫn chưa hồi phục.
Cụ thể, khảo sát về tiền lương thường niên của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thuộc UN cho thấy mức tiền lương tại Nga đã tăng mạnh kể từ năm 2023 khi các nhà máy nỗ lực gia tăng sản lượng.
Tại Trung Quốc, mức tiền lương đã tăng 27% so với năm 2019 trong khi tiền lương tại Brazil cũng tăng mạnh.
Tuy nhiên tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở những nước giàu khác, mức tăng lương không theo kịp mức giá năng lượng, thực phẩm và các hàng hóa và dịch vụ khác trong năm 2022, dẫn đến tiền lương thực tế giảm mạnh.
Ở một số quốc gia, mức giảm đó tiếp tục kéo dài đến năm 2023 nhưng đã có những dấu hiệu phục hồi vào năm 2024.
Báo cáo của ILO cho thấy sự phục hồi tiền lương hiện dẫn đầu bởi Châu Á trong khi Châu Âu và Bắc Mỹ lại tụt hậu. Thậm chí hầu hết các thành viên giàu có của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiền lương thực tế vẫn thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19.
Trong nửa đầu năm 2024, tiền lương thực tế đã tính lạm phát tại Đức, Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn thấp hơn so với năm 2019.
Tại Mỹ, tiền lương thực tế đã tính lạm phát chỉ tăng 1,4%.
Số liệu của ILO thậm chí cho thấy tiền lương thực tế đã tính lạm phát ở Anh, Nhật Bản và Italy còn thấp hơn năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra.
Theo ILO, chi tiêu tiêu dùng vẫn yếu ở Châu Âu do các hộ gia đình chọn tiết kiệm tiền nhiều hơn để chuẩn bị cho các cú sốc kinh tế, bao gồm khả năng xung đột thương mại với Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử.
Ngay cả ở Trung Quốc, tiêu dùng đã giảm so thị trường bất động sản suy thoái khiến nhiều hộ gia đình tăng cường tiết kiệm do giảm thu nhập.
Dự đoán của ILO cho thấy nền kinh tế thế giới đã giảm tốc trong năm 2024 với mức tăng 3,2%, thấp hơn so với 3,3% của năm 2023.
Bên cạnh đó, ILO cho rằng khoảng cách thu nhập giữa những người lao động được trả lương cao nhất và thấp nhất thế giới dù có cải thiện nhưng vẫn còn quá lớn.
Năm 2021, mức lương đã điều chỉnh theo sức mua của 10% người lao động có thu nhập thấp nhất là 250 USD/tháng, trong khi 10% người lao động có thu nhập cao nhất kiếm được 4.199 USD/tháng.
"Điều này có nghĩa là sức mua của tầng lớp có mức lương trung bình tại các quốc gia thu nhập thấp chỉ bằng khoảng 6% sức mua của tầng lớp tương đương tại các quốc gia thu nhập cao", ILO cho biết.
Trên toàn cầu, 10% người lao động được trả lương thấp nhất chỉ kiếm được 0,5% tổng tiền lương, trong khi 10% người được trả lương cao nhất nhận được 38% bảng lương toàn cầu.
*Nguồn: WSJ