Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc có phát hiện quan trọng trên sao Hỏa

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc có phát hiện mới trên sao Hỏa nhờ dữ liệu thu được từ tàu thám hiểm Chúc Dung.

Trung Quốc có phát hiện quan trọng trên sao Hỏa

Tàu thám hiểm sao Hỏa Chúc Dung của Trung Quốc. Ảnh: Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc

Hoàn cầu Thời báo đưa tin, sau khi nghiên cứu dữ liệu thu được từ tàu thám hiểm sao Hỏa Chúc Dung, các nhà khoa học Trung Quốc xác nhận rằng, hoạt động của gió và cát trên bề mặt hành tinh đỏ đã ghi lại những thay đổi trong môi trường sao Hỏa cổ đại.

Các nhà khoa học cho biết, phát hiện này có thể làm sáng tỏ việc dự đoán những thay đổi về khí hậu trong tương lai trên Trái đất.

Kết quả nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí khoa học Nature.

Trong số các hành tinh trong hệ mặt trời, sao Hỏa được coi là giống với Trái đất nhất. Các nhà khoa học tin rằng trạng thái hiện tại và lịch sử tiến hóa của sao Hỏa có thể đại diện cho "tương lai của Trái đất". Do đó, nghiên cứu về sự tiến hóa của khí hậu sao Hỏa từ lâu đã là một chủ đề rất được quan tâm.

Hoạt động của gió và cát đã định hình sự phân bố rộng rãi các cồn cát trên bề mặt sao Hỏa.

"Có thể nói các hoạt động của gió và cát đã ghi lại các đặc điểm của quá trình tiến hóa muộn và môi trường khí hậu gần đây của sao Hỏa, cũng như quá trình biến đổi khí hậu của nó. Tuy nhiên, do thiếu các quan sát khoa học chi tiết và có hệ thống tại chỗ và tại chỗ ở cự ly gần, chúng ta vẫn biết rất ít về quá trình này" - Li Chunlai, nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Trung Quốc, Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết.

Để giải quyết câu hỏi khoa học này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy ảnh có độ phân giải cao, máy ảnh định vị địa hình và máy ảnh đa phổ trên tàu thám hiểm Chúc Dung để tiến hành các cuộc điều tra nghiên cứu chung ở tầm xa và tầm gần tại khu vực hạ cánh trên hành tinh đỏ.

Thông qua phân tích chuyên sâu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra bằng chứng quan trọng về những thay đổi trong chế độ gió ở khu vực hạ cánh của Chúc Dung.

Bằng chứng cho thấy sự nhất quán với các lớp phủ bụi băng được tìm thấy ở vĩ độ cao trên sao Hỏa, chứng tỏ khu vực mà Chúc Dung hạ cánh có thể đã trải qua hai giai đoạn khí hậu chính. Hai giai đoạn này được đánh dấu bằng sự thay đổi hướng gió, với sự thay đổi gần 70 độ từ đông bắc sang tây bắc.

Các nhà khoa học cho hay, sự thay đổi khí hậu này xảy ra cách đây khoảng 400.000 năm, vào cuối kỷ băng hà cuối cùng trên sao Hỏa.

Sự thay đổi độ nghiêng trục của sao Hỏa được cho là dẫn đến sự chuyển đổi khí hậu toàn cầu từ kỷ băng hà sang thời kỳ gian băng. Gian băng (interglacial period) là thời kỳ nhiệt độ trung bình của Trái đất ấm hơn làm tan băng ở các vùng cực và xen kẽ với các thời kỳ băng hà trong một kỷ băng hà.

Li nói rằng nghiên cứu này đã góp phần vào sự hiểu biết về lịch sử khí hậu cổ đại của sao Hỏa, cung cấp một góc nhìn mới cho nghiên cứu về khí hậu cổ đại của sao Hỏa và những hạn chế quan trọng đối với mô phỏng khí hậu toàn cầu trên sao Hỏa.

Nghiên cứu thậm chí có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về sự phát triển khí hậu của Trái đất trong tương lai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan