Tổng thống Philippines thăm Mỹ: Trọng tâm vấn đề thuế quan và an ninh-quốc phòng
Từ ngày 20-22/7, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có chuyến thăm chính thức tới Mỹ. Đây là chuyến công du thứ năm của ông tới Mỹ kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, phản ánh trọng tâm đối ngoại ngày càng rõ nét trong chiến lược của chính quyền Philippines.
Chuyến thăm trong bối cảnh đàm phán thương mại căng thẳng
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tiến hành các cuộc đàm phán nhạy cảm về chính sách thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu từ Philippines.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, mức thuế đề xuất mới lên tới 20% - tăng so với mức 17% mà người đứng đầu Nhà Trắng từng công bố hồi đầu tháng 4 - đang là chủ đề chính trong các cuộc thương lượng song phương.
Chính sách này, được Nhà Trắng mô tả là một phần trong nỗ lực cân bằng cán cân thương mại, đã khiến nhiều quốc gia đồng minh truyền thống, trong đó có Philippines, lo ngại về những tác động tiêu cực đến ngành xuất khẩu và nền kinh tế quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Ảnh: ABS-CBN
Theo Philstar Global (Philippines), biện pháp này có thể gây thiệt hại lên tới 6 tỷ USD cho kinh tế Philippines và ảnh hưởng đến 250.000 việc làm, đặc biệt nghiêm trọng khi Mỹ hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines với kim ngạch 14,2 tỷ USD. Sức ép này đến trong bối cảnh việc đa dạng hóa kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Philippines đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trợ lý Ngoại trưởng Philippines trách các vấn đề Mỹ, bà Raquel Solano, cho biết các quan chức thương mại Philippines đang có mặt tại Washington D.C. nhằm thúc đẩy việc đạt được một thỏa thuận song phương hoặc một hiệp định thương mại “có đi có lại”. Bà nhấn mạnh rằng hai nước cần hướng tới một giải pháp đôi bên cùng có lợi trước thời điểm chính sách thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 1 tháng 8 tới.
Trong khi đó, Frederick Go, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Philippines về Đầu tư và Kinh tế, cho biết Manila đang theo đuổi một khuôn khổ hợp tác rộng hơn, có thể bao gồm một hiệp định thương mại tự do toàn diện, qua đó thiết lập cơ chế ổn định và dài hạn cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
Giới quan sát cho rằng, dễ hiểu khi một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trong chuyến thăm lần này là thuyết phục chính quyền Tổng thống Donald Trump rút lại mức thuế 20% áp với hàng xuất khẩu Philippines, hoặc đưa Manila vào diện miễn trừ. Bên cạnh các đàm phán ngắn hạn, Philippines cũng chủ động đề xuất tái khởi động tiến trình đàm phán một hiệp định thương mại song phương (FTA), nhằm tạo dựng nền tảng ổn định hơn cho quan hệ kinh tế dài hạn với Mỹ.
Trong lĩnh vực đầu tư và phát triển, trọng tâm của chương trình nghị sự là thúc đẩy tiến độ triển khai Hành lang kinh tế Luzon, một sáng kiến hạ tầng trọng điểm gắn với chiến lược tăng trưởng nội lực. Dự án này bao gồm tuyến đường sắt Subic - Clark - Manila - Batangas trị giá 3,2 tỷ USD, cùng các tổ hợp logistics, khu công nghiệp và hệ thống cảng biển kết nối.
Việc đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ hành lang Luzon được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cộng hưởng giữa phát triển hạ tầng chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, qua đó nâng cao năng lực nội tại của Philippines trong chuỗi cung ứng khu vực.
Ngoài ý nghĩa kinh tế, hành lang Luzon còn được nhìn nhận như một công cụ hỗ trợ quan trọng cho mục tiêu dài hạn: giảm dần phụ thuộc vào xuất khẩu lao động, tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước các biến động địa chính trị, và từng bước chuyển dịch mô hình tăng trưởng sang dựa trên đầu tư và sản xuất có giá trị gia tăng cao.
Cơ hội củng cố hợp tác an ninh-quốc phòng
Một phần quan trọng khác trong chương trình nghị sự của chuyến thăm là tăng cường hợp tác quốc phòng song phương. Được biết, Chính phủ Philippines đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ để hiện đại hóa lực lượng vũ trang và tăng cường năng lực tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Việc triển khai thêm các khí tài quân sự của Mỹ tới Philippines, trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), cũng được dự kiến sẽ được thảo luận trong các cuộc gặp cấp cao.
Theo lịch trình chuyến công du, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. có cuộc gặp Ngoại trưởng Marco Rubio và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth. Phủ Tổng thống Philippines vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận quốc phòng và an ninh giữa hai đồng minh truyền thống, nhưng theo tờ ABS-CBN (Philippines), Quốc hội Mỹ trước đó đã yêu cầu cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nghiên cứu “tính khả thi của việc thiết lập một cơ sở lưu trữ đạn dược và sản xuất chung” tại Subic. Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện Mỹ cho biết trong Đạo luật Phân bổ Ngân sách Quốc phòng năm 2026 rằng các nhà lập pháp “lo ngại về việc thiếu cơ sở sản xuất đạn dược giai đoạn đầu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Manila cho biết vẫn chưa nhận được đề nghị chính thức từ Washington, tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro Jr. tỏ ra cởi mở với ý tưởng này. Tờ ABS-CBN dẫn phát biểu của ông Teodoro, nhấn mạnh “Bất kỳ cơ sở sản xuất nào có thể chuyển giao công nghệ, nhân lực, doanh thu đều được hoan nghênh và có thể đảm bảo tính bền vững, tạo ra sản phẩm quốc gia”.
Tuyên bố của ông Teodoro cho thấy Philippines không chỉ coi đây là cơ hội hợp tác quốc phòng, mà còn là đòn bẩy để phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng trong nước, thông qua chuyển giao công nghệ và tạo việc làm. Nếu được hiện thực hóa, dự án có thể là một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao năng lực tự chủ quốc phòng của Philippines, đồng thời đóng vai trò là một mắt xích trong chuỗi cung ứng quân sự của Mỹ tại khu vực.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng gia tăng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Philippines đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Washington. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý rằng, Manila cũng đang tìm cách duy trì thế cân bằng chiến lược, tránh bị cuốn vào cạnh tranh giữa các cường quốc, đồng thời tối đa hóa lợi ích quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh và chủ quyền lãnh thổ.
Rõ ràng, chuyến công du của Tổng thống Marcos Jr. lần này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa chiến lược, khi các vấn đề thương mại, an ninh khu vực và quan hệ đồng minh cùng lúc được đặt lên bàn đàm phán. Kết quả của chuyến thăm sẽ phần nào phản ánh mức độ tin cậy và lợi ích song phương giữa Manila và Washington trong bối cảnh cục diện địa chính trị khu vực và toàn cầu đang có nhiều biến động khó lường.