Tinh thần tự lực, quy củ của người Thuỵ Sĩ: Được cho phép "không làm mà vẫn có ăn" nhưng người dân đồng loạt từ chối nhận trợ cấp 61 triệu đồng/ tháng
Đáng ngạc nhiên là hầu hết công dân ở đây lại không hài lòng về "chiếc bánh ngon từ trên trời rơi xuống" này.
Theo World Atlas, Thụy Sĩ thuộc khu vực Trung Âu, tiếp giáp các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Italy, Áo, Liechtenstein. Nước này có diện tích tự nhiên 41.290 km2, dân số khoảng 8 triệu người. Dù diện tích và dân số khiêm tốn, Thụy Sĩ là quốc gia nổi tiếng về độ giàu có, thường xuyên nằm trong top 10 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất và xã hội ổn định. Vào năm 2021, GDP bình quân đầu người của Thụy Sỹ đạt mức 90.358 USD (tương đương hơn 2 tỷ đồng), chỉ đứng sau Luxembourg và Ireland. Thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở đây là 6.848 USD/tháng (tương đương khoảng 156 triệu đồng). Tỷ lệ thất nghiệp và thâm hụt tài khóa của nước này chỉ ở mức thấp.
Tấm biểu ngữ khổng lồ được trải trên mặt đất tại Geneva nêu câu hỏi: "Bạn sẽ làm gì nếu thu nhập của bạn được bảo đảm suốt đời?"
Thụy Sĩ vốn có lịch sử lâu đời về các hoạt động trưng cầu dân ý. Người dân ở đây được sống trong nền dân chủ cao, bình đẳng, người dân có quyền đề nghị thay đổi hiến pháp và họ được phép trưng cầu dân ý về luật pháp mới. Từ những việc lớn nhỏ, chính phủ đều lấy ý kiến người dân và nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nước này. Với tôn chỉ của nhà nước Thụy Sĩ là: Từ khi còn trong nôi đến khi xuống mồ, chính phủ chịu trách nhiệm về mọi thứ, bao gồm giáo dục, chăm sóc y tế, v.v. nên vào năm 2016, chính phủ Thụy Sĩ có ý định trợ cấp cho tất cả người dân nước này mỗi tháng 2.500 franc Thụy Sĩ (2.520 USD) (khoảng 61 triệu đồng). Trẻ em cũng được nhận một khoản là 625 CHF (khoảng 15 triệu đồng).
Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới lên kế hoạch tài trợ vô điều kiện cho mọi công dân. Trước đó, Phần Lan cũng cân nhắc bỏ phúc lợi xã hội. Thay vào đó, họ sẽ trả người dân 10.000 USD mỗi năm với dự định sẽ thử nghiệm trước bằng việc cấp cho 10.000 người 550 euro mỗi tháng trong vòng 2 năm, và để đáp ứng chính sách này, ngân sách Thụy Sĩ phải chi 208 tỷ francs/năm, tương đương với 35% GDP.
Sự dân chủ ở Thụy Sĩ vô cùng được đề cao. Vào ngày 4 tháng 10 năm 2013, các nhà hoạt động nước này đã đổ khoảng 8 triệu xu lên quảng trường tại Bern, một đồng xu đại diện cho một người trong dân số Thụy Sĩ. Việc này để nhằm kỷ niệm việc thu thập thành công hơn 125.000 chữ ký, buộc chính phủ phải tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên hay không đưa khái niệm thu nhập cơ bản vào Hiến pháp Liên bang. Ảnh: Bloomberg
Ý tưởng trên là của một nhóm học giả. Họ khẳng định mọi người sẽ vẫn muốn đi làm và tìm việc, kể cả khi nhận được khoản tiền này. Họ cho rằng việc cấp một khoản thu nhập như vậy sẽ giúp chống đói nghèo và bất bình đẳng trong xã hội hiện nay. Khoản tiền này đủ để mọi công dân chi trả cho những nhu cầu cơ bản của bản thân, qua đó có thể xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào trợ cấp xã hội của những người không có kế sinh nhai, giúp mỗi người lựa chọn được công việc ưa thích, khuyến khích sáng tạo và sự tận tâm trong công việc, đồng thời tăng giải pháp cho việc trông giữ trẻ em và chăm sóc người già hoặc người bệnh.
Chính phủ Thụy Sĩ lo ngại họ có thể phải áp loại thuế mới, hoặc giảm chi, khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng. Giới chức còn lo ngại "người dân sẽ ít chịu đi làm" nếu chính sách này được áp dụng.
Và kết quả là sau khi bỏ phiếu, 77% dân số nước này từ chối nhận số tiền “cho không biếu không” này mà muốn tự đi làm để kiếm sống. Họ coi "phúc lợi nhà nước từ trong nôi" này là một "kế hoạch điên rồ dành cho những kẻ lười biếng!".
Tinh thần tự lực đáng quý của người Thụy Sĩ
Thụy Sĩ của quá khứ là một đất nước chẳng hề giàu có, nhưng ngày nay lại cực kỳ phát triển. Một phần cũng nhờ vào sự tiết kiệm một cách đầy lý trí. Người Thụy Sĩ có tính cách bình dị, không kiêu ngạo, không khoe khoang, phô trương, họ luôn tiêu tiên một cách có tính toán và kế hoạch.
Mặc dù không hề giáp biển và ít ỏi tài nguyên khoáng sản, nhưng Thụy Sĩ luôn được Ngân hàng Thế giới đánh giá là đất nước giàu có nhất và thu nhập bình quân đầu người luôn vượt quá 40 nghìn USD/năm.
Ở Thụy Sĩ, tính tiết kiệm được coi là đức tính tốt. Người Thụy Sĩ tin vào quy luật đạo đức, với họ thì nỗ lực và khả năng chuyên môn sẽ đem lại thành quả, còn dục vọng và sự lười biếng là những thói xấu cần tránh.
Quy củ và tôn trọng giờ giấc chặt chẽ
Sự đúng giờ của người Thụy Sỹ chính là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Khi xuất hiện đúng giờ trong mọi việc người dân Thụy Sỹ ngầm nói rằng: "Tôi rất trân trọng thời gian của bạn và nói rộng ra tôi rất trân trọng bạn".
Không phải ngẫu nhiên mà Thụy Sĩ là nhà sản xuất đồng hồ trứ danh thế giới. Người chính xác thời gian có trước hay những chiếc đồng hồ chính xác có trước? Thật khó trả lời nhưng kết quả của nó thì như nhau: một quốc gia nơi tàu hỏa, và tất tật mọi thứ khác, đều thực sự chạy đúng giờ.
Luôn tìm thấy niềm vui trong công việc
Mặc dù người Thụy Sĩ rất coi trọng công việc, nhưng họ cũng luôn đề cao sự thoải mái khi làm việc ở Thụy Sĩ. Người dân ở quốc gia này làm việc rất chăm chỉ nhưng họ luôn cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Họ coi trọng quyền được nghỉ ngơi, và "sẽ làm việc sau khi được nghỉ ngơi".
Số giờ làm việc trung bình trong một tuần của mỗi người dân Thụy Sĩ là 35,2 giờ, thấp hơn so với mức 36,4 giờ/tuần của người Anh, mức 38 giờ/tuần của người Tây Ban Nha.
Là một trong những nước an toàn nhất thế giới, tình trạng tham nhũng, tham ô cửa quyền ở Thụy Sĩ gần như không có, năng lực điều hành của chính phủ cực tốt, môi trường sống trong lành và chất lượng dịch vụ ở mức rất cao.