Thời gian, địa điểm mảnh tên lửa Nga rơi không kiểm soát xuống Trái đất
Mảnh tên lửa Nga mất kiểm soát đã quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, theo ước tính mới nhất từ Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ.
Tên lửa đẩy hạng nặng Angara-A5 được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk phía tây bắc của Nga ngày 27.12.2021. Vụ phóng thử nghiệm tầng tên lửa phía trên mới, được gọi là Persei, theo hãng tin nhà nước Nga TASS.
Hầu hết các mảnh vỡ không gian bốc cháy khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất và gây ra rủi ro cực kỳ nhỏ cho con người, nhưng những mảnh lớn hơn có thể gây thiệt hại nếu hạ cánh xuống khu vực có người ở.
Ngày 5.1, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ - cơ quan theo dõi tên lửa đẩy trong quá trình tái nhập - cho biết, tên lửa Nga quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất lúc 14h08, ngày 5.1, giờ MST (tức 4h08, ngày 6.1, giờ Việt Nam) ở khu vực phía trên bầu trời nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có thể không xác định được chính xác nơi những mảnh vỡ hạ cánh.
Trước đó, cũng trong ngày 5.1, người đứng đầu Văn phòng Mảnh vỡ Không gian của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, ông Holger Krag, cho biết, mảnh tên lửa của Nga đã di chuyển với tốc độ 7,5 km/giây và vĩ độ tái nhập có thể trong khoảng giữa 63 độ bắc và phía nam của đường xích đạo.
Dù rất ít khả năng mảnh tên lửa rơi không kiểm soát xuống Trái đất gây sát thương hoặc làm bất cứ ai bị thương, nhưng "rủi ro là có thật và không thể bỏ qua", ông Krag nói.
Tháng 5.2021, mảnh tên lửa Trung Quốc ngoài tầm kiểm soát đã lao xuống Ấn Độ Dương. Mảnh tên lửa Trường Chinh 5B nặng khoảng 20 tấn là một phần của tên lửa được phóng lên trạm vũ trụ Trung Quốc.
Ông Krag cho biết, mảnh tên lửa Nga được cho là nhỏ hơn mảnh của Trung Quốc, chỉ nặng khoảng 4 tấn khi không có nhiên liệu.
Persei dài khoảng 10m, trong khi tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc dài 32m, theo Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn - Harvard & Smithsonian. Dù trọng lượng nhẹ hơn nhưng Persei đang chở khoảng 16 tấn thuốc phóng.
"Tổng khối lượng tương đương với mảnh của Trung Quốc, nhưng phần lớn có thể là chất lỏng và sẽ bốc cháy trong khí quyển, do đó rủi ro đối với mặt đất ít hơn đáng kể" - ông nhận định.