Saudi Arabia tham vọng biến thủ đô thành nơi đáng sống nhất
Saudi Arabia đang lên kế hoạch để biến thủ đô của mình trở thành một trong những thành phố "đáng sống nhất trên thế giới".
CNN đưa tin, Quỹ Đầu tư Công cộng (PIF) cho hay Saudi Arabia đang xây dựng một trung tâm mới ở thủ đô Riyadh.
Người đứng đầu dự án "New Murabba" (Quảng trường mới) là Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ông mong muốn mở rộng diện tích của thủ đô khoảng 19 kilomet vuông và có thể chứa tới hàng trăm nghìn cư dân.
Theo Quỹ Đầu tư Công cộng, trọng tâm của dự án là tòa nhà "Mukaab", cao 400 mét, rộng 400 mét và dài 400 mét, tương đương sức chứa 20 tòa Empire State ở Mỹ.
Du khách sẽ được trải nghiệm các cảnh quan thay đổi từ không gian bên ngoài sang không gian xanh. Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2030.
Công nghệ ba chiều cung cấp “một thực tế mới” cho người tiêu dùng khi họ mua sắm và dùng bữa. Tòa nhà cũng bao gồm các cơ sở giải trí cũng như khách sạn và khu dân cư.
Saudi Arabia bắt tay vào thực hiện dự án đầy tham vọng để đa dạng hóa nền kinh tế khỏi dầu khí và dập tắt những định kiến tiêu cực về đất nước.
Ông Andreas Krieg, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Trung Đông của Đại học King's College London cho biết, hiện tại Saudi Arabia đang cố gắng thúc đẩy để trở thành một quốc gia phát triển và một quốc gia có thể xây dựng các thành phố của tương lai.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Saudi Arabia khó có thể thực hiện được mục tiêu nói trên, do Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và thủ đô Doha của Qatar đều đang phấn đấu để trở thành trung tâm du lịch và đầu tư chính trong khu vực.
Simon Henderson, Giám đốc Chính sách Năng lượng của Viện Washington, cho hay: "Đứng vị trí thứ hai trong cuộc đua luôn là một thử thách lớn khi bạn muốn trở thành người dẫn đầu.
Điều này đặc biệt khó khăn đối với Saudi Arabia vì qua nhiều thập kỷ, nước này đã không thu hút khách nước ngoài không theo đạo Hồi".
Năm 2021, Thái tử Mohammed bin Salman đã công bố dự án thành phố Neom tương lai trị giá 500 tỉ USD ở phía tây bắc của đất nước, có sự hiện diện của robot giúp việc, taxi bay và một mặt trăng nhân tạo khổng lồ.
Năm ngoái, Thái tử tiết lộ thành phố Line tuyến tính khổng lồ, trải dài hơn 170 kilomet và chứa được 9 triệu người.
Theo truyền thông Saudi, vương quốc này đã có kế hoạch chi khoảng 800 tỉ USD để tăng gấp đôi quy mô của thủ đô trong thập kỷ tới, đồng thời biến thành phố thành một trung tâm văn hóa và kinh tế trong khu vực.
Giới chức Saudi Arabia khẳng định, các dự án đang được tiến hành theo kế hoạch, nhưng không rõ dự án "New Murabba" sẽ tốn khoảng bao nhiêu USD, hoặc Quỹ PIF có kế hoạch tài trợ cho dự án như thế nào.
Một số nhà phân tích hoài nghi và nói rằng Saudi Arabia có thể sẽ không kêu gọi được đủ tài trợ để thực hiện tham vọng của mình.
"Vấn đề tài chính của các dự án này không hoàn toàn được bảo đảm. Họ đã cố gắng để có được nhiều khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài để dự án này được công nhận" - ông Krieg nói.
Saudi Arabia hy vọng có thể tăng vốn FDI lên 388 tỉ Riyals (103 tỉ USD) hàng năm vào năm 2030. Vốn đầu tư FDI của vương quốc này hiện ở mức 19 tỉ USD vào năm 2021, theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Ông Henderson cho rằng, Saudi Arabia có thể thành công tài trợ cho dự án hay không cũng cần phải phụ thuộc vào giá dầu.
Giá mỗi thùng dầu đang ở mức dưới 80 USD. Saudi Arabia có thể cần giá dầu vượt qua 100 USD nhằm tài trợ cho các siêu dự án.
Trong khi một số người bày tỏ nghi ngờ về thành phố mới cũng như khả năng tồn tại lâu dài của nó, một số khác đã chỉ ra sự tương đồng với những tòa nhà chọc trời hình khối tọa lạc tại nơi linh thiêng nhất của người Hồi giáo ở thánh địa Mecca.
Kaaba - cái tên có nguồn gốc từ tòa nhà Mukaab mới - là nơi mà hàng tỉ người Hồi giáo đến cầu nguyện năm lần một ngày và hàng triệu người hành hương mỗi năm.