Mặt đất dịch chuyển 6 mét sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Đây là nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học địa chất Đức sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Sạt lở do động đất gây ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến mặt đất dịch chuyển tới 6 mét trong phạm vi 250km, định hình lại sườn đồi, đường giao thông ở các đèo núi trong toàn bộ khu vực. Phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy, vùng màu đỏ là nơi đất đã dịch chuyển về phía đông (đến 3 mét) trong khi vùng màu xanh lam cho thấy vùng đất dịch chuyển về phía tây (đến 6 mét).
Trận động đất là hệ quả của nhiều thập kỷ chuyển động chậm theo chiều ngang - khoảng 1,5 cm mỗi năm - giữa các mảng địa chất Anatoli và Arab, gây ra sức căng gia tăng dọc theo đường đứt gãy. Cuối cùng, ma sát tăng cao đến mức một trong hai mảng "trượt" qua nhau, gây ra trận động đất vào ngày 6/2. Hiện nay các vệ tinh đang giúp lập mô hình tác động địa lý của trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Tái thiết sau động đất hiện là một bài toán khó
13 ngày sau trận động đất kinh hoàng, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã quyết định chấm dứt công tác cứu hộ tại phần lớn các tỉnh, ngoại trừ hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Kahramanmaras và Hatay.
Song song với quyết định ngừng tìm kiếm các nạn nhân, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tập trung vào công cuộc tái thiết sau động đất. Tổng thống Tayyip Erdogan đã công bố một loạt biện pháp như xây dựng các tòa nhà chất lượng cao và an toàn để đáp ứng nhu cầu nhà ở trong vùng xảy ra động đất; hỗ trợ thân nhân những người thiệt mạng và cam kết hoàn thành tái thiết trong 1 năm. Thế nhưng, với thiệt hại kinh tế lớn, trong khi nguồn lực vẫn còn nhiều hạn chế, tái thiết sau động đất hiện là một bài toán khó với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Ngay trước khi tiến hành các hoạt động tái thiết quy mô lớn, nhiệm vụ trọng tâm nhất của Thổ Nhì Kỳ lúc này là hỗ trợ nơi trú ẩn cho người sống sót.
Ông Rolf m.Bakken - Nhân viên Cơ quan Điều phối và Đánh giá thảm họa của Liên hợp quốc cho biết: "Những gì bạn đang thấy là có hàng nghìn nghìn người đang cần nơi trú ẩn, điều kiện vệ sinh an toàn, hệ thống sưởi ấm, chăm sóc y tế. Đây là những nhu cầu liên tục. Có một mái nhà và một nơi ấm áp, an toàn để ở là điều quan trọng nhất lúc này".
Không chỉ là nơi trú ẩn, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tiếp tục giải các bài toán khác khi tái thiết như nhu cầu thực phẩm, ngăn chặn dịch bệnh, cho đến các nhu cầu về trường học, việc làm. Những nhiệm vụ này cần một nguồn kinh phí khổng lồ, trong khi kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trong giai đoạn khó khăn với lạm phát tăng, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức cao, khoảng 20%, khiến các sức ép kinh tế càng thêm lớn.
Ông Mehmet Ismet - Người sống sót sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ nói: "10 năm nữa họ mới có thể xây dựng lại thành phố. Thành phố đã biến mất, cần rất nhiều thời gian và rất nhiều tiền".
Tại Syria, các nỗ lực tái thiết sẽ còn phức tạp hơn bởi các khu vực xảy ra động đất là những khu vực vốn chìm trong nội chiến, đời sống khó khăn, khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Liên hợp quốc cảnh báo rằng, Syria phải đối mặt với "ác mộng chồng ác mộng".
Ông Jagan Chapagain - Tổng Thư ký Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: "Trận động đất đã làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng từ trước đó. Vì vậy, theo nhiều cách, đây là một cuộc khủng hoảng chồng lên khủng hoảng. Thảm họa này càng làm mọi thứ khó khăn hơn rất nhiều, từ tình hình trú ẩn đến sức khỏe rồi tình trạng thiếu nhiên liệu, lạm phát, khủng hoảng kinh tế. Hệ thống y tế cũng bị ảnh hưởng".
Cô Duaa Al Mawaz - Y tá: "Quả thực, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn ngay từ trước đợt thảm họa này như khó khăn về nguồn lực, thiếu thốn các loại trang thiết bị. Sau thảm họa này, chúng tôi lại rơi vào một thảm họa khác, đặc biệt là về số lượng nhân viên y tế ở tất cả các bệnh viện".
Theo ước tính, hơn 4 triệu người phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Syria do quân nổi dậy kiểm soát. Các chuyên gia nhận định, Syria sẽ phải mất đến 5-10 năm chỉ để triển khai chương trình tái thiết ở khu vực này.