Quốc gia ở Châu Âu dừng xuất khẩu khí đốt
Serbia ngăn xuất khẩu khí đốt nhằm bảo vệ nguồn cung năng lượng trong nước.
Serbia, một quốc gia ở Châu Âu, đã tạm dừng xuất khẩu khí đốt cho đến cuối tháng này trong nỗ lực bảo vệ thị trường năng lượng trong nước, bộ phận báo chí của chính phủ Serbia thông tin ngày 17.10.
“Chính phủ đã đưa ra quyết định tại cuộc họp hôm nay về việc tạm thời cấm xuất khẩu khí đốt cho tới 31.10 để đảm bảo nguồn cung đáng tin cậy cho thị trường trong nước cũng như ngăn ngừa thiệt hại cho nền kinh tế và người dân" - thông cáo của Belgrade nêu rõ.
Tuần trước, Tổng thống Aleksandar Vucic kêu gọi tăng cường an ninh cho hệ thống vận chuyển khí đốt của Serbia. Hệ thống đường ống dẫn khí của Serbia tiếp nhận khí đốt Nga thông qua đường ống TurkStream.
Phát biểu của nhà lãnh đạo Serbia được đưa ra sau khi giới chức Nga thông tin đã bắt giữ một nghi phạm âm mưu làm nổ tung đường ống dẫn khí TurkStream.
Đường ống TurkStream đưa khí đốt Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ và tới các nước Châu Âu xa hơn. Đây hiện là đường ống dẫn khí duy nhất vận hành trộn vẹn và được cung cấp đầy đủ khí đốt để đưa từ Nga sang EU, theo Điện Kremlin.
Tổng thống Vucic cho hay, có 6 triệu mét khối khí đốt Nga được chuyển qua đường ống TurkStream đến Serbia hàng ngày.
Đầu tháng 10, Tổng thống Serbia đã đề nghị EU hỗ trợ tài chính cho các quốc gia Balkan trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng do các lệnh trừng phạt Nga của khối cũng như việc Nga cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt.
Serbia không phải là quốc gia thành viên EU nhưng nguồn cung năng lượng trung chuyển qua các nước khác được đi qua nước này. Do đó, những lệnh trừng phạt Nga mà EU áp đặt sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới nước này.
Tổng thống Vucic phản đối các lệnh trừng phạt Nga cũng như làm rõ rằng Serbia sẽ tiếp tục dựa vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Tổng thống Serbia đã bày tỏ lo ngại về mùa sưởi ấm sắp tới, khi nước này có khoảng 660 triệu mét khối khí đốt dự trữ cho mùa đông, chỉ đủ cho 3 tháng tiêu thụ.