Nước Mỹ sắp thiếu thịt trong năm tới vì đại hạn
Hạn hán cực độ và những áp lực lạm phát đang buộc người nông dân ở các bang phía tây nước Mỹ bán đàn gia súc với số lượng lớn chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ qua.
Theo Liên đoàn Cục Trang trại Hoa Kỳ (AFBF), gần 80% khu vực phía tây nước Mỹ đang chịu đựng hạn hán khốc liệt suốt gần một năm qua. Đợt nắng nóng đỉnh điểm diễn ra trong vòng một tuần trở lại đây và ảnh hưởng đến gần 80 triệu người trên khắp cả nước. Tình hình thời tiết khắc nghiệt khiến những người nông dân và chủ trang trại lòng như lửa đốt.
Trong nhiều tuần, nhiệt độ tại Texas duy trì ở mức xấp xỉ 38 độ C. Nước cạn và cỏ cháy khô. Đây lại là hai yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng đàn bò. Một số chủ trang trại cho biết họ không còn cách nào khác ngoài việc bán chúng đi.
David Anderson, giáo sư Kinh tế Nông nghiệp tại Texas A&M cho biết: "Hơn chục năm qua, chúng tôi không bán đàn bò ra thị trường nhiều như thế này. Năm 2011 là đợt hạn lớn nhất mà chúng tôi từng trải qua".
Theo kết quả khảo sát của AFBF năm 2021, hạn hán nghiêm trọng ở miền Tây đã buộc 40% nông dân phải bán bớt một phần đàn gia súc của họ. Giờ đây, lạm phát đang khiến giá của thức ăn, phân bón, nhiên liệu tăng và tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhiều con bò đã bị đem đi đấu giá.
Một chuồng gia súc ở thành phố Elk, tiểu bang Oklahoma, thường chứng kiến khoảng 200-300 con bò trong ngày bán. Theo Monte Tucker, một thành viên Cục Trang trại Oklahoma, cho biết, có những ngày số bò bán ra lên đến cả nghìn con.
Tucker cũng là một chủ trang trại chăn nuôi gia súc của gia đình. Ông đang cố gắng cầm cự để không bán đàn bò đi, cho đến khi không còn cỏ nữa. Ông bổ sung thức ăn cho đàn gia súc bằng các loại hạt, nhưng làm như vậy rất tốn kém.
Tucker nói: "Giá cao gấp đôi so với 2 năm trước. Chúng tôi đã mua loại thức ăn chăn nuôi đó với giá 200 USD/tấn và hiện mức giá đã tăng gấp đôi. Đó là một cuộc khủng hoảng khác".
Theo giáo sư Anderson, mặc dù các chủ trang trại phải miễn cưỡng bán đàn bò, ít nhất họ vẫn thu về một số tiền tương đối ổn trên thị trường. Cuối cùng thì người tiêu dùng có thể mua thịt với mức giá thấp hơn thời gian qua. Giá thịt bò xay trong tháng 6 ở Mỹ đã tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng tương lai mới là điều đáng quan tâm. Khi số lượng bò giảm xuống, giá thịt bò trong 2 năm tới có thể tăng cao hơn nữa. Bộ Nông nghiệp Mỹ, hay USDA, dự báo sản lượng thịt bò sẽ giảm 7% trong năm tới.
Để giải quyết vấn đề này, USDA đưa ra chương trình hỗ trợ tài chính cho các nông dân và chủ trang trại đủ điều kiện. Chương Trình Hỗ Trợ Khẩn Cấp cho Người Nuôi Gia Súc, Nuôi Ong Mật và Nuôi Cá Nông Trại của USDA sẽ cung cấp chi phí giúp các chủ trang trại vận chuyển nước cho gia súc hoặc di chuyển đàn bò đến các đồng cỏ xanh tốt hơn. Một trong số các điều kiện nhận hỗ trợ đó là người nông dân phải sống trong khu vực có mức độ hạn hán nghiêm trọng trong thời gian dài.
Tại Missouri, Thống đốc bang Mike Parson đã ký lệnh đề nghị hỗ trợ cho 53 quận trong bang của ông bị ảnh hưởng bởi hạn hán khắc nghiệt. Ông cho biết: "Ngay từ trang trại của mình, tôi cũng nhận thấy những điều kiện đang nhanh chóng xấu đi. Chúng tôi cũng nghe được những phản ánh tương tự từ vô số gia đình khác trên toàn tiểu bang".
Lệnh chỉ đạo cho các cơ quan bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên giúp các nông dân tiếp cận nguồn nước từ công viên quốc gia và các khu bảo tồn khác. Ngoài ra, ông Parson còn chỉ đạo cho sở Giao thông Vận tải Missouri giảm phí và nới lỏng hạn chế đối với nông dân và chủ trang trại vận chuyển cỏ khô.
Theo CNN
https://cafef.vn/nong-dan-can-rang-ban-bo-nuoc-my-sap-thieu-thit-trong-nam-toi-vi-dai-han-20220726164055109.chn