Nhu cầu thủy sản của Mỹ và EU có thể tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022
Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022, nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu dự báo tiếp tục ở mức cao với động lực từ thị trường Mỹ và EU.
Kinh tế Mỹ và EU được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục ở mức cao, trong khi tính đến cuối năm 2021, lượng thủy sản dự trữ, tồn kho tại các thị trường này ở mức thấp.
Năm 2021, trị giá nhập khẩu thủy sản (mã HS 03, 1604, 1605) của hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều tăng so với năm 2020, trừ nhập khẩu của Đức giảm.
Không chỉ tăng so với năm 2020, nhập khẩu thủy sản của nhiều thị trường còn tăng so với trước đại dịch (năm 2019), trừ nhập khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản giảm trên 10%. 11 tháng năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Mỹ đạt 26,7 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Mỹ với tỷ trọng chiếm khoảng 6,4%.
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Trung Quốc, 11 tháng năm 2021, nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 8 cho Trung Quốc, chiếm 5% trong tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc.
Trong dài hạn, nhu cầu thủy sản toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Tại Báo cáo Triển vọng Nông nghiệp 2021-2030, FAO dự báo mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của thế giới sẽ đạt 21,2 kg vào năm 2030, tăng so với năm 2018- 2020 bình quân 20,5 kg, tăng 3,6% trong giai đoạn 2020-2030.
Vào năm 2030, nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ cung cấp 57% lượng cá phục vụ cho con người, cao hơn 4% so với giai đoạn 2018-2020. Tiêu thụ thủy sản được kỳ vọng sẽ mở rộng ở tất cả các châu lục, nhờ thu nhập tăng, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối và đổi mới sản phẩm.
H.Mĩ