Người Mỹ nợ nhiều đến mức nào so với thế giới?
Người Mỹ nợ ở mức cao, nhưng chưa phải cao nhất thế giới.
Với lạm phát và lãi suất ở mức cao tại nhiều nơi trên thế giới, nợ hộ gia đình - bao gồm từ thế chấp đến nợ thẻ tín dụng - đang đạt mức cao kỷ lục.
Thống kê dựa trên dữ liệu từ CEIC Data, Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng trung ương quốc gia tại 26 quốc gia được khảo sát cho thấy mức nợ hộ gia đình trung bình trên mỗi người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi).
Philippines: Nợ 567 USD/người trong độ tuổi lao động
Nợ hộ gia đình ở Philippines chỉ chiếm 10,1% GDP của quốc gia này, mức cực thấp theo tiêu chuẩn toàn cầu. Mặc dù tỉ lệ nợ thấp này được một số người gọi là "phép màu", nhưng thực chất không phải vậy.
Nghèo đói lan rộng ở Philippines và việc mua bất động sản nằm ngoài tầm với của nhiều người sống ở đó, nghĩa là quyền sở hữu nhà và thế chấp tương đối hiếm - nên dữ liệu này không tính vào nợ.
Hơn nữa, ước tính 40% người Philippines trưởng thành không có tài khoản ngân hàng và khó tiếp cận tín dụng, trong khi tình trạng cho vay nặng lãi không được quản lý chặt chẽ.
Mexico: Nợ 3.142 USD/người trong độ tuổi lao động
Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Mexico cũng có nợ hộ gia đình rất thấp, chỉ chiếm 16,2% GDP quốc gia.
Một lần nữa, điều này chủ yếu là do sự hòa nhập tài chính rất hạn chế. Chỉ 20% người Mexico có quyền tiếp cận tín dụng và chỉ 10% được cho là sở hữu thẻ tín dụng.
Nga: 3.696 USD
Nợ hộ gia đình vẫn ở mức thấp (tính đến tháng 6.2023, tháng gần nhất có dữ liệu đáng tin cậy), chiếm 20,2% GDP. Một phần là do số người Nga có thế chấp tương đối ít, trong khi tỉ lệ tiết kiệm ở mức khá cao.
Trung Quốc: 11.114 USD
Ở mức 63,3% GDP, nợ hộ gia đình của Trung Quốc đang nhanh chóng tiến gần đến ngưỡng đỏ 65% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xác định là dấu hiệu cảnh báo về bất ổn tài chính.
Phần lớn khoản nợ này bao gồm các khoản vay thế chấp. Với thị trường nhà ở đang lao dốc, chi tiêu của người tiêu dùng đang giảm khi họ lựa chọn tiết kiệm thay vì chi tiêu.
Sự bùng nổ của tín dụng dễ dàng khiến nhiều người phải gánh khoản nợ không phải thế chấp lớn.
Nhật Bản: 39.462 USD
Nợ hộ gia đình đang gia tăng ở Nhật Bản. Nợ tiêu dùng nói riêng đã đạt mức kỷ lục vào năm 2023, một phần là do sự bùng nổ của hoạt động cho vay kỹ thuật số.
Do đó, tỉ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của quốc gia này đã tăng lên tới 67,2%. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa cao bằng mức đỉnh 78,7% vào năm 2000, sau cuộc suy thoái tài chính vào những năm 1990 (còn được gọi là "Thập kỷ mất mát").
Đức: 43.440 USD
Đức có mức sở hữu nhà thấp thứ hai ở châu Âu và số lượng thế chấp tương đối thấp giúp duy trì nợ hộ gia đình của Đức ở mức có thể quản lý được là 54,3% GDP.
Mỹ: 78.869 USD
Với hơn 17 nghìn tỉ USD, tổng nợ hộ gia đình của Mỹ cao nhất thế giới, trong đó nợ thẻ tín dụng vượt quá 1 nghìn tỉ USD lần đầu tiên vào năm ngoái.
Người Mỹ đang vay nhiều hơn bao giờ hết để ứng phó với lạm phát và lãi suất cao.
Mặc dù vay nợ tăng lên, tỉ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của quốc gia này đã giảm xuống còn 64,1% vào năm 2023, ngay dưới ngưỡng nguy hiểm.
Thụy Sĩ: 189.236 USD
Thụy Sĩ không chỉ có mức nợ hộ gia đình trên mỗi người trong độ tuổi lao động cao nhất trong nghiên cứu mà tỉ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cũng lớn nhất, ở mức 128,4%.
Nhìn theo hướng lạc quan hơn, quốc gia này cũng có mức tài sản bình quân đầu người cao nhất, giúp duy trì nợ bền vững. Nhưng những vết nứt đang bắt đầu xuất hiện.
Theo báo cáo của SwissInfo, tình trạng nghèo đói đang gia tăng ở quốc gia giàu có này, trong đó nguyên nhân chính là chi phí thuê nhà. Thụy Sĩ có tỉ lệ sở hữu nhà thấp nhưng tiền thuê nhà lại gắn liền với lãi suất, do đó, mức tăng giá năm ngoái đã gây tổn hại cho cả người thuê nhà và người vay thế chấp.