Đức đang cung cấp những loại vũ khí nào cho Ukraine?
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu, Đức là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho Ukraine, từ xe tăng chiến đấu đến hệ thống phòng không.
Mặc dù ban đầu có sự do dự trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng như xe tăng chiến đấu, Đức vẫn gửi chúng tới Ukraine cùng một lượng lớn vũ khí hạng nhẹ và thiết bị.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn đang chờ đợi hệ thống tên lửa hành trình tầm xa Taurus. Không giống như Mỹ, Anh và Pháp - những nước đã cung cấp vũ khí dẫn đường tương tự cho phép Ukraine tấn công vào các mục tiêu ở Nga, Thủ tướng Olaf Scholz đã vạch ra giới hạn với hệ thống Taurus.
Dưới đây là danh sách các loại vũ khí mà Đức đã cung cấp cho Ukraine tính đến tháng 11/2024:
Xe tăng chiến đấu Leopard 2 và Leopard 1
Leopard 2, sản phẩm chủ lực của quân đội Đức, được sản xuất từ năm 1978 và cải tiến qua nhiều năm. Do xe tăng này thành công rực rỡ trên thị trường xuất khẩu, nhà sản xuất Krauss-Maffei Wegmann đã tạo ra nhiều phiên bản khác nhau, mỗi phiên bản đều được điều chỉnh theo yêu cầu cụ thể của người mua. Mẫu xe tiền nhiệm của nó, Leopard 1, cũng bán rất chạy và tiếp tục được nhiều quân đội trên thế giới sử dụng.
Nó được thiết kế để phòng thủ chống lại đoàn xe tăng của đối phương. Leopard 2 có pháo 120 mm có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu cố định hoặc di chuyển trong khi vẫn duy trì sự ổn định. Pháo vẫn hướng thẳng vào mục tiêu ngay cả khi lái trên địa hình không bằng phẳng.
Các phụ kiện bổ sung cho phép Leopard lái qua vùng nước sâu tới 4 mét. Với trọng lượng hơn 60 tấn và công suất 1500 mã lực, xe tăng hạng nặng Leopard 2 có thể di chuyển với tốc độ hơn 60 km/giờ. Cho đến nay, chính phủ Đức đã cung cấp cho Ukraine 18 xe tăng Leopard 2 mới và 88 xe tăng Leopard 1 cũ hơn.
Xe chiến đấu bộ binh Marder
Marder là một xe chiến đấu bộ binh đa năng, có thể chở 6 đến 7 xạ thủ vào trận chiến, cung cấp hỏa lực hỗ trợ cho họ. Nó được trang bị pháo tự động 20 mm và cũng có thể bao gồm tên lửa dẫn đường Milan để tấn công các mục tiêu trên bộ và trên không. Nó có hệ thống thông gió bảo vệ để giúp chống lại vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học, và có thể di chuyển qua vùng nước sâu tới hai mét nhờ thủy lực.
Được đưa vào sử dụng từ năm 1971, Marder đã được sử dụng trong các chiến dịch ở Kosovo và Afghanistan. Đức đã cung cấp cho Ukraine 140 chiếc Marder.
Xe tăng phòng không tự hành Gepard
Gepard là xe phòng không có hai khẩu pháo 35 mm, được sử dụng để chống lại máy bay, trực thăng ở độ cao lên đến 3.500 m, đồng thời cũng chống lại các mục tiêu mặt đất bọc thép nhẹ như xe chiến đấu bộ binh và xe vận tải bọc thép. Điều này minh họa cách Gepard có thể được sử dụng như một vũ khí phòng thủ kết hợp tấn công.
Gepard ra mắt vào năm 1976 và đã ngừng hoạt động ở nhiều quốc gia như Hà Lan, Bỉ và Đức. Romania là quốc gia NATO duy nhất vẫn sử dụng Gepard. Đức đã cung cấp cho Ukraine 55 chiếc Gepard, trước khi chúng được đưa vào hoạt động trở lại.
Pháo tự hành Panzerhaubitze 2000
Đây là một khẩu pháo tự hành bọc thép cỡ nòng 155 mm. 60 viên đạn được lưu trữ trong hộp đạn có thể bắn với tốc độ 3 viên/10 giây. Nó có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 40 km.
Không giống như xe tăng chiến đấu Leopard, Panzerhaubitze 2000 phải đứng yên để bắn, khiến nó rõ ràng kém hơn xe tăng chiến đấu khi đối đầu trực diện. Tuy nhiên, nó có thể ngay lập tức di chuyển đến vị trí ngụy trang mới sau khi bắn, do đó tránh được hỏa lực trả đũa. Nó được thiết kế để đi cùng các đơn vị cơ giới và cung cấp hỏa lực hỗ trợ cho họ.
Nó đã được triển khai thành công ở Afghanistan vào năm 2006 và 2007 kết hợp với sự hỗ trợ của không quân. Cho đến nay, Ukraine đã nhận được 24 pháo lựu từ Đức.
Hệ thống phòng không Patriot
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của các nhà sản xuất Raytheon và Lockheed (Mỹ) được thiết kế để tấn công máy bay, tên lửa chiến thuật và tên lửa hành trình. Hệ thống tên lửa phòng không trên mặt đất này có thể tấn công đồng thời tới 5 mục tiêu ở phạm vi lên tới 68 km.
Các tên lửa phòng thủ được bắn từ xe tải và đạt tốc độ gấp 4 lần tốc độ âm thanh. Kể từ khi ra mắt vào năm 1984, Patriot đã được nhiều lực lượng vũ trang sử dụng, bao gồm cả Bundeswehr của Đức.
Patriot rất đắt đỏ. Một hệ thống riêng lẻ không có tên lửa có giá vài trăm triệu USD, với mỗi tên lửa phòng thủ riêng lẻ có giá thêm từ 3 - 8 triệu USD. Do giá thành cao, chúng được sử dụng để chống lại những mục tiêu có giá trị cao như máy bay không người lái chiến đấu Cho đến nay, ba đơn vị Patriot đã được chuyển giao cho Ukraine.
Hệ thống phòng không IRIS-T
IRIS -T là hệ thống tên lửa phòng không di động trên mặt đất (gắn trên xe tải) của nhà sản xuất Diehl của Đức, nhưng có sự hợp tác đa quốc gia.
IRIS-T là hệ thống tương đối mới. Nó chỉ mới hoạt động lần đầu tiên vào năm 2022, năm khủng hoảng Ukraine bắt đầu. Nó có thể đánh chặn tên lửa ở phạm vi 40 km. Hệ thống này được sử dụng để phòng thủ chống lại trực thăng, máy bay và máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa tầm ngắn.
Một lợi thế của IRIS-T là tính cơ động cao: tất cả các thành phần được lắp trên các container tiêu chuẩn và có thể được vận chuyển trên xe tải, đường sắt, tàu thủy và thậm chí bằng máy bay vận tải như C-130 Hercules hoặc máy bay quân sự Airbus A400M. Cho đến nay, Đức đã cung cấp 9 hệ thống IRIS-T cho Ukraine.
Máy bay không người lái trinh sát Vector
Được sản xuất tại Đức bởi Quantum Systems, máy bay không người lái trinh sát Vector là máy bay cánh cố định có sải cánh chỉ dưới ba mét, ba cánh quạt và thân máy bay làm bằng nhựa gia cố sợi carbon.
Vector có thể bay trên không trong vòng hai giờ và chụp ảnh một khu vực rộng 700 ha. Cho đến nay, Đức đã cung cấp cho Ukraine 368 chiếc máy bay không người lái này.
Bệ phóng tên lửa Stinger
Stinger là bệ phóng tên lửa đất đối không dẫn đường bằng hồng ngoại, vác vai, ban đầu được Raytheon sản xuất tại Mỹ vào năm 1980, cũng được sản xuất từ lâu ở châu Âu, bao gồm cả ở Đức.
Sau khi khóa mục tiêu, chẳng hạn như máy bay chiến đấu hoặc trực thăng, và được bắn, tên lửa có thể tự động theo dõi mục tiêu ở phạm vi khoảng 4.000 mét. Đầu đạn phát nổ với độ trễ thời gian nhỏ sau khi va chạm do đó tối đa hóa thiệt hại.
Stingers đã chứng minh được tính hiệu quả và dễ sử dụng. Đáng chú ý nhất là Mỹ đã cung cấp chúng cho Afghanistan trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng, và các chiến binh Afghanistan đã sử dụng chúng để bắn hạ nhiều máy bay và trực thăng của Liên Xô. Đức đã cung cấp cho Ukraine 500 tên lửa Stinger kể từ khi xung đột bắt đầu.
Panzerfaust
Được sản xuất bởi Dynamit Nobel tại Đức từ năm 1992, Panzerfaust 3 tiêu chuẩn được quân đội Đức và các quân đội quốc gia khác sử dụng để phòng thủ chống tăng.
Nó được bắn từ vai vào các mục tiêu cố định cách xa tới 400 mét và vào các mục tiêu di động cách xa tới 300 mét. Nó có thể xuyên thủng tới 300 mm thép bọc thép và xuyên thủng tới 240 mm bê tông cốt thép.
Theo Chính phủ Đức, nước này đã cung cấp cho Ukraine hàng nghìn khẩu Panzerfaust vào đầu cuộc xung đột.
Ngọc Ánh (theo DW)