Ngôi biệt thự giữa lòng thủ đô nước Anh bị "xiết nợ", sắp có thương vụ mua bán nhà khủng nhất lịch sử London
Một biệt thự Regent's Park đang được rao bán trên thị trường sau khi chủ sở hữu người Ả rập Xê út không thể tất toán khoản vay khủng đúng hạn, dẫn tới việc tài sản thế chấp nhà ngôi nhà này bị rao bán để trả nợ.
The Holme, tên của công trình, nằm trên diện tích 4 mẫu anh ở Regent's Park, trung tâm thủ đô London. Việc rao bán ngôi nhà này đã thu hút những người mua cực kỳ giàu có bởi hiếm khi một công trình như vậy xuất hiện trên thị trường. Người ta tin rằng ngôi nhà có thể được bán với giá lên tới 250 triệu bảng. Con số này sẽ vượt qua kỷ lục 210 triệu bảng trước đó, vốn thuộc về căn biệt thự nhìn ra Công viên Hyde thuộc sở hữu của người sáng lập Evergrande Hui Ka Yan.
Thương vụ này cũng sẽ cung cấp cho công chúng một cái nhìn hiếm hoi vào các giao dịch của giới siêu giàu ở London, vốn thường nằm trong bí mật. Một nhà đầu tư bất động sản biết thông tin về thương vụ này phải thốt lên rằng: “Thật không thể tin nổi khi có 4 mẫu đất của Regent’s Park đang được rao bán”.
Theo các nguồn tin, Hoàng tử Abdullah bin Khalid bin Sultan al-Saud, một thành viên của hoàng gia Ả Rập Xê Út, có liên quan tới việc sở hữu ngôi nhà này. Tuy nhiên, nó đã bị “xiết nợ” sau khi khoản vay 150 triệu bảng, vốn dùng The Holme cùng một ngôi nhà ở New York và một chiếc máy bay làm tài sản thế chấp, đã hết hạn.
Vài năm qua, Thái tử Mohammed bin Salman, người đang điều hành Ả rập Xê út, đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ với các thành viên hoàng gia cùng các lãnh đạo doanh nghiệp trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay. Kể từ đó, nhiều hoàng tử đã giữ kín thông tin về mình.
Hoàng tử Abdullah từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.
Holme là tài sản giá trị cao nhất trong danh mục tài sản đảm bảo cho khoản nợ. Việc bán ngôi nhà ở London được hiểu là cách dễ dàng nhất nhằm thanh toán khoản nợ.
Căn biệt thự 205 tuổi là một trong số ít các công trình nằm ở Regent’s Park, trung tâm London. Chính bởi thế, sự săn lùng với chúng là rất lớn. Công trình này ban đầu được xây phục vụ James Burton, một nhà phát triển bất động sản người Gruzia. Ông này đã xây dựng nhiều khu trung tâm của London.
“Đây thực sự là một chiếc cúp đáng giá và bạn sẽ phải chờ đợi để có cơ hội mua chiếc tiếp theo. Chính bởi thế, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu nó tiếp tục phá kỷ lục ngôi nhà đắt giá nhất ở London. Đây rõ ràng không phải giao dịch bình thường và giá trị cuối cùng cũng rất khó dự đoán”, Roarie Scarisbrick, chuyên viên một công ty môi giới BĐS ở London, cho biết.
Trong những năm gần đây, những công trình siêu khủng này thường bị các nhà đầu tư người nước ngoài tung tiền sở hữu. Thủ đô của Vương quốc Anh lại được ưa chuộng bởi luật pháp ủng hộ mạnh mẽ quyền sở hữu trong khi người mua hoàn toàn có khả năng ẩn danh, tránh xa sự dòm ngó của công chúng.
Tuy nhiên, Chính phủ Anh gần đây đã tìm cách làm sáng tỏ những cấu trúc sở hữu không minh bạch, thúc ép cá tổ chức nước ngoài phải công bố tài sản sở hữu nếu không sẽ bị phạt. Trong thương vụ này, 2 trong số 3 người mua tiềm năng dường như sống ở London. Người còn lại ở nước ngoài. Tuy nhiên, công trình này nhiều khả năng sẽ được các doanh nghiệp bất động sản mua lại.
Tham khảo: FT