Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga - Iran chi 25 tỉ USD xây tuyến thương mại xuyên lục địa mới?

Nga và Iran tìm cách mở rộng quan hệ thương mại trong bối cảnh cả hai nước bị phương Tây trừng phạt.

Nga - Iran chi 25 tỉ USD xây tuyến thương mại xuyên lục địa mới?

Con kênh nhân tạo tách ra từ sông Đông hướng về sông Volga ở Nga. Ảnh vệ tinh: Maxar Technologies

Bloomberg đưa tin, Nga và Iran đang xây dựng một tuyến đường thương mại xuyên lục địa mới kéo dài từ rìa phía đông của Châu Âu đến Ấn Độ Dương, dài 3.000km, nằm ngoài tầm với của bất kỳ sự can thiệp nào từ nước ngoài.

Hai nước đang chi hàng tỉ USD để tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa dọc theo các con sông và tuyến đường sắt nối với biển Caspian. Dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp cho thấy hàng chục tàu của Nga và Iran - bao gồm cả một số tàu đang chịu lệnh trừng phạt - đã miệt mài đi trên tuyến đường này.

Theo giới phân tích, đây là một ví dụ về cạnh tranh giữa các cường quốc đang nhanh chóng định hình lại các mạng lưới thương mại trong một nền kinh tế thế giới có vẻ như sẽ bị chia cắt thành các khối đối thủ. 

Nga và Iran - dưới sức ép lớn từ các biện pháp trừng phạt - đang hướng về nhau, và cả hai cũng đang hướng về phía đông. Mục tiêu là bảo vệ các liên kết thương mại khỏi sự can thiệp của phương Tây và xây dựng những liên kết mới với các nền kinh tế khổng lồ và đang phát triển nhanh của Châu Á.

Bà Maria Shagina - chuyên gia về các biện pháp trừng phạt và chính sách đối ngoại của Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London - cho biết, việc này liên quan tới thiết lập chuỗi cung ứng chống lại các lệnh trừng phạt.

Hành lang thương mại mới ngắn hơn hàng nghìn kilomet so với các tuyến đường hiện có. Ở đầu phía bắc là biển Azov, được bao quanh bởi bán đảo Crimea, bao gồm cả cảng Mariupol do Nga kiểm soát, và cửa sông Đông.

Các tuyến đường thương mại từ Nga tới Châu Á. Đoạn xanh là tuyến đường qua biển Địa Trung Hải, dài gần 14.000km, đi mất 40 ngày. Đoạn cam là Hành lang Vận tải Bắc-Nam Quốc tế (INSTC). Đoạn cam đứt quãng là INSTC mở rộng. Tuyến đường mới đi qua Iran sẽ ngắn hơn hàng nghìn kilomet. Nga chi 1 tỉ USD để kết nối sông Volga với biển Azov, trong khi Iran mở rộng mạng lưới tàu hoả tới cảng biển Chabahar ở đông nam. Ảnh chụp màn hình

Các tuyến đường thương mại từ Nga tới Châu Á. Đoạn xanh là tuyến đường qua biển Địa Trung Hải, dài gần 14.000km, đi mất 40 ngày. Đoạn cam là Hành lang Vận tải Bắc-Nam Quốc tế (INSTC). Đoạn cam đứt quãng là INSTC mở rộng mà Nga đang lên kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD để kết nối sông Volga với biển Azov. Trong khi đó Iran mở rộng mạng lưới tàu hoả tới cảng biển Chabahar ở đông nam. Ảnh chụp màn hình

Đầu tháng này, khi liệt kê những lợi ích mà Nga đạt được từ cuộc chiến ở Ukraina, Tổng thống Vladimir Putin cho biết biển Azov “đã trở thành vùng biển nội địa” đối với Nga.

Từ đó, mạng lưới sông, biển và đường sắt mở rộng đến các trung tâm của Iran trên biển Caspian và cuối cùng là Ấn Độ Dương. Ông Putin cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phần cuối hành lang đó.

Tại một diễn đàn kinh tế vào tháng 9, Tổng thống Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển cơ sở hạ tầng tàu biển, đường sắt và đường bộ dọc theo tuyến đường “để mang đến cho các công ty Nga những cơ hội mới thâm nhập thị trường Iran, Ấn Độ, Trung Đông và Châu Phi, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn cung đổi lại từ các nước này”.

Bà Shagina ước tính Nga và Iran đang đầu tư tới 25 tỉ USD vào hành lang thương mại mới, giúp tạo thuận lợi cho dòng hàng hóa mà phương Tây muốn ngăn chặn. Bà Shagina cho rằng, hai quốc gia đang chơi trò "mèo vờn chuột", sẽ khám phá tất cả các kẽ hở để vận chuyển các mặt hàng bị trừng phạt.

Điều đó báo động Mỹ và các đồng minh, khi những nước này tìm cách ngăn chặn việc vận chuyển máy bay không người lái của Iran và các vật tư quân sự khác mà họ cho là đang hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraina.

Ngoài lý do trên còn có những lý do kinh tế thuyết phục cho tuyến đường vận chuyển mới.

Tàu thuyền đi trên sông Đông và sông Volga có truyền thống buôn bán các mặt hàng năng lượng và nông nghiệp - Iran là nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn thứ ba của Nga - nhưng phạm vi sẽ được mở rộng. Hai nước đã công bố một loạt thỏa thuận kinh doanh mới bao gồm các loại hàng hóa như tuabin, polymer, vật tư y tế và phụ tùng ôtô. Nga cũng cung cấp nhiên liệu hạt nhân và linh kiện cho lò phản ứng của Iran ở Bushehr.

Nga đang lên kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD để cải thiện khả năng giao thông qua biển Azov, vào sông Đông và qua kênh đào nối với sông Volga. Theo dữ liệu của Bloomberg, hàng trăm con tàu mỗi ngày đi qua tuyến nối biển Đen và biển Caspian, ùn tắc giao thông thường xuyên gia tăng xung quanh những điểm hẹp nhất. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu

Nga đang lên kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD để cải thiện khả năng giao thông qua biển Azov, vào sông Đông và qua kênh nối với sông Volga. Theo dữ liệu của Bloomberg, hàng trăm con tàu mỗi ngày đi qua tuyến nối biển Đen và biển Caspian, ùn tắc giao thông thường xuyên gia tăng xung quanh những điểm hẹp nhất. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu

Nga cần bù đắp cho sự đổ vỡ đột ngột trong quan hệ thương mại với Châu Âu, vốn là đối tác thương mại lớn nhất trước chiến sự Ukraina, cũng như tìm cách giải quyết các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Nikolay Kozhanov - chuyên gia vùng Vịnh tại Đại học Qatar, từng là nhà ngoại giao của Nga tại Tehran từ năm 2006 đến 2009 - cho biết: “Với việc mạng lưới giao thông của Châu Âu bị đóng cửa, họ tập trung phát triển các hành lang thương mại thay thế hỗ trợ Nga chuyển hướng sang phương Đông. Có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với các tuyến đường biển, nhưng các tuyến đường bộ rất khó theo dõi, gần như không thể theo dõi tất cả". Có rất nhiều trở ngại nhưng cả Nga và Iran đều đang chi mạnh tay để vượt qua.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết