Mỹ: Lạm phát khiến phí bảo hiểm, thuế tài sản trở thành ‘ác mộng’, nhiều người phải bán nhà chuyển về quê
Gánh nặng ngày một tăng với những hộ gia đình thu nhập trung bình tại Mỹ.
Phân tích này dựa trên những người đi vay sử dụng tài khoản ký quỹ để trả thuế và bảo hiểm như một phần trong khoản thanh toán thế chấp hàng tháng. Đối với một bộ phận nhỏ nhưng ngày càng tăng của các hộ gia đình, gánh nặng này còn đáng kể hơn nhiều.
Theo ICE, tại năm khu vực đô thị lớn—Rochester và Syracuse, NY; Omaha, Neb.; New Orleans và Miami—ít nhất 25% số người đi vay chi hơn một nửa khoản thanh toán thế chấp hàng tháng cho thuế và bảo hiểm. Những khu vực đô thị này có thuế tài sản cao hoặc bảo hiểm nhà ở đắt hơn so với thông thường.
“Phí bảo hiểm của nhiều chung cư có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Thay vì trả phí bảo hiểm cao hơn, chủ sở hữu chấp nhận từ bỏ một số quyền lợi”, Sue Savio, một đại lý bảo hiểm ở Honolulu, cho biết.
Thuế và phí bảo hiểm tăng làm trầm trọng thêm tình trạng mất khả năng chi trả mà người mua nhà đang phải đối mặt do giá bất động sản cao kỷ lục còn lãi suất thế chấp tăng cao. Những yếu tố đó khiến nhiều người mua nhà phải từ bỏ giấc mơ trong năm nay, từ đó đẩy doanh số bán nhà xuống mức tệ nhất kể từ năm 1995.
Một số chủ nhà đang đặt câu hỏi về việc mua bất động sản sau khi cảm thấy áp lực chi phí ngày một cao hơn. Khi Lisa và Michael Landry mua nhà ở New Orleans vào năm 2015, thuế tài sản, bảo hiểm nhà và bảo hiểm lũ lụt của họ chỉ tốn khoảng 725 USD một tháng. Hiện tại, gia đình này phải trả 2.448 USD - tức vượt quá khoản thanh toán hàng tháng cho tiền gốc và lãi suất thế chấp với mức lãi suất cố định là 3,5%. Họ cũng phải trả thêm 2.000 USD/năm cho bảo hiểm lũ lụt và bảo hiểm nhà ở.
“Nếu biết trước, chúng tôi đã không chuyển đến đây”, ông nói.
Theo David Sampson, giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo hiểm Tai nạn Tài sản Mỹ, các công ty bảo hiểm buộc phải tăng lãi suất để bù đắp lạm phát và những tổn thất lớn do bão và hỏa hoạn. Điều này khiến các chủ nhà không còn mặn mà với những hợp đồng phí cao ngất ngưởng.
“Hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với những vị khách hàng tức giận và quẫn trí. Chúng tôi hoàn toàn hiểu được nỗi lo lắng của họ. Chúng tôi cũng gặp phải những vấn đề tương tự trong cuộc sống gia đình và công việc kinh doanh”, Angelyn Treutel Zeringue, chủ tịch Gulf Coast của South Group Insurance Services, nói.
Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu tại Đại học New York, Đại học Rice và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, việc tăng phí bảo hiểm nhà ở khiến người đi vay nhiều khả năng chậm trả tiền thế chấp. Stephanie Johnson, phó giáo sư tài chính tại Rice, cho biết mức tăng đột biến của phí bảo hiểm nhà ở từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023 đã khiến thêm 149.000 khoản thế chấp trở nên khó thanh toán.
Janet Raggi, người đã nghỉ hưu, cho biết bà đang bán ngôi nhà của mình ở Bradenton, Florida, vì thuế tài sản và bảo hiểm tăng đều kể từ khi bà chuyển đến đây cách đây 4 năm. Tuy nhiên, rao cả năm trời vẫn không ai mua vì lãi suất thế chấp quá cao.
“Chúng tôi đã có một ngôi nhà tuyệt vời với mức giá tuyệt vời cùng lãi suất tuyệt vời, và giờ thì mọi thứ đã đảo lộn hoàn toàn. Tôi đang tìm cách thoát ra”, bà nói.
Theo phân tích dữ liệu của Cục Thống kê Dân số do Sharon Cornelissen, giám đốc nhà ở tại Liên đoàn Người tiêu dùng Mỹ thực hiện, có khoảng 6,8% chủ nhà báo cáo không có bảo hiểm nhà vào năm 2023, giảm so với mức 7,4% vào năm 2021. Tỷ lệ chủ nhà không có bảo hiểm tăng ở một số khu vực đô thị lớn, đặc biệt là ở Miami.
“Lạm phát và chất lượng lao động luôn là một vấn đề phức tạp, khó khăn đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ và họ không tin rằng tình hình sẽ tốt hơn trong năm 2024”, nhà kinh tế trưởng Bill Dunkelberg của NFIB cho biết trong một thông cáo.
Andy Walden, phó chủ tịch nghiên cứu và phân tích của Intercontinental Exchange, cho biết giá nhà hiện đang dao động quanh mức cao nhất mọi thời đại, nhưng thuế tài sản tăng và phí bảo hiểm cuối cùng có thể khiến giá giảm ở một số khu vực.
Walden cho biết những chủ nhà đã mua nhà trong 2 năm qua với mức lãi suất thế chấp cao có thể đã bị căng thẳng. Những người này có thể không đủ điều kiện vay một khoản vay mới nếu chi phí thuế hoặc bảo hiểm tăng đáng kể, ông cho biết.
Theo WSJ, bán bảo hiểm đang trở thành một trong những nghề khó kiếm ăn tại California. Chi phí tăng cao, nhiều hợp đồng bị hủy bỏ.
“Mọi thứ khó khăn lắm. Không có ngày nào tốt lành cả”, Harper, chủ công ty bán bảo hiểm nói và cho biết thiệt hại chủ yếu do cháy rừng, hạn hán và lũ lụt.
Christopher Moynihan được tăng lương vào năm ngoái khi chuyển từ Utah đến Nebraska cùng gia đình để nhận một công việc mới. Anh cho biết gần như toàn bộ khoản tăng lương đã bị lạm phát ăn mòn. Lãi suất thế chấp hiện tại hiện cao gấp đôi lãi suất thế chấp trước đây, trong khi thuế tài sản và bảo hiểm nhà ở chiếm tới 34% khoản thanh toán thế chấp mới.
“Đó giống như một viên thuốc đắng khó nuốt”, anh nói.
Theo: WSJ, The NY Times