Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

IMF: Thế giới chưa cảm nhận rõ tác động của thắt chặt điều kiện tài chính

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva chia sẻ ngày 12.1 rằng các quốc gia vẫn chưa nhận thấy tác động đầy đủ của việc thắt chặt các điều kiện tài chính. 

IMF: Thế giới chưa cảm nhận rõ tác động của thắt chặt điều kiện tài chính

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: AFP

Tăng trưởng toàn cầu dự kiến chậm lại trong năm nay, do các ngân hàng trung ương bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế giá cả tăng cao.

Ví dụ, trong khi các lĩnh vực như nhà ở tại Mỹ đang đối mặt với khó khăn, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ với tỉ lệ thất nghiệp thấp.

“Chừng nào mọi người còn có việc làm, ngay cả khi giá cả cao, người tiêu dùng vẫn chi tiêu... Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng tác động của việc thắt chặt các điều kiện tài chính vẫn chưa ảnh hưởng đến tình trạng thất nghiệp” - AFP dẫn lời bà Georgieva. 

Giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh: “Lạm phát vẫn còn dai dẳng, do đó, công việc của các ngân hàng trung ương vẫn chưa hoàn tất".

Điều này cho thấy các ngân hàng trung ương có thể cần tiếp tục tăng lãi suất, cân bằng giữa việc giảm nhu cầu và tránh đẩy các nền kinh tế vào suy thoái. Động thái này sẽ đi kèm với nhiều rủi ro.

Bà Georgieva nhấn mạnh sự cần thiết phải xem việc thắt chặt các điều kiện tài chính ảnh hưởng đến thị trường lao động như thế nào và có thể dẫn đến căng thẳng hơn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. 

IMF nhận định, các ngân hàng trung ương có thể cần tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Ảnh: AFP

IMF nhận định, các ngân hàng trung ương có thể cần tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, IMF khẳng định “có thể tránh được suy thoái kinh tế toàn cầu” nếu không có cú sốc tiêu cực nào xảy ra, ngay cả khi một số quốc gia ghi nhận suy thoái, bà Georgieva nói.

Những cú sốc như vậy có thể bao gồm tình trạng bất ổn xã hội và lan rộng giữa các quốc gia, hoặc xung đột Nga - Ukraina trầm trọng hơn. 

Mặc dù các điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ có tác động đáng kể đối với các quốc gia có mức nợ cao, nhưng Giám đốc điều hành IMF cho biết, tổ chức này không nhận thấy khả năng sắp xảy ra “cuộc khủng hoảng nợ có hệ thống”. Bà tiết lộ, một hội nghị bàn tròn về nợ công toàn cầu sẽ họp lần đầu vào tháng 2.

Đề cập tới các quốc gia cụ thể, bà Georgieva nói thêm rằng Trung Quốc cần duy trì hướng đi mở cửa trở lại sau gần 3 năm triển khai zero-COVID. Bà lưu ý, các ca COVID-19 tăng sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại có tác động quan trọng toàn cầu. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng đóng góp tới 40% tăng trưởng thế giới.

“Điều quan trọng nhất với Trung Quốc là tiếp tục tiến trình, không lùi bước trong việc mở cửa trở lại" - bà Georgieva nói. Nếu vậy, Trung Quốc có thể trở thành một “nhân tố đóng góp tích cực” cho tăng trưởng trung bình toàn cầu vào giữa năm hoặc sau nữa. 

Bà Georgieva cũng lạc quan về khả năng phục hồi của thị trường Mỹ. Bà cho biết khả năng suy thoái có thể sẽ rất nhẹ.


Nguồn:https://laodong.vn/the-gioi/imf-the-gioi-chua-cam-nhan-ro-tac-dong-cua-that-chat-dieu-kien-tai-chinh-1137566.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết