Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EU vung tiền mua dầu Nga, quyết không chi tiền vũ khí cho Kiev

Theo giới truyền thông phương Tây, các nước thuộc Liên minh Châu Âu đã tăng đáng kể lượng dầu thô mua từ Nga vào tháng 5 năm nay.

EU vung tiền mua dầu Nga, quyết không chi tiền vũ khí cho Kiev

Theo dữ liệu của cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu, các nước EU đã tăng đáng kể lượng dầu thô mua từ Nga vào tháng 5 năm nay.

Con số này đã tăng 5,5% chỉ trong tháng 5, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay là 407,4 triệu euro.

Eurostat tuyên bố, mặc dù Slovakia, một khách hàng quan trọng của Moscow, chỉ mua khối lượng dầu từ Nga có tổng trị giá 205,9 triệu euro, giảm 5,8% so với tháng 4; nhưng sự sụt giảm này được bù đắp bởi Hungary, nước đã tăng nhập khẩu dầu thô của Nga lên tới 22% và thanh toán tổng số tiền 201,5 triệu euro.

Số liệu thống kê của Eurostat cho thấy, trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 5, các nước Liên minh Châu Âu đã chi tới 2,3 tỷ euro để mua hàng hóa từ Nga, giảm nhẹ so so với 2,9 tỷ euro của cùng kỳ năm ngoái.

Cần nhớ rằng, Liên minh châu Âu hiện đang kiên quyết siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga vốn đã được áp đặt ngay từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, nâng lên một mức độ cao hơn khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát tháng 2/2022 và tiếp tục leo thang khi Nga và Ukraine không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Điều càng đặc biệt hơn nữa là giao dịch dầu thô giữa Moscow với Liên minh châu Âu vẫn đạt mức cao, trong bối cảnh lĩnh vực trọng tâm của các biện pháp hạn chế lại chính là xuất khẩu năng lượng của Nga.

Ngay sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây đã đặt ra cái gọi là giá trần cho dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng và giờ đây, Brussels lại khăng khăng đòi giảm con số này xuống còn 50 dollars.

Nói cách khác, Brussels đang tuyên bố cần phải tước đoạt nguồn thu nhập chính của Liên bang Nga, nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia thành viên vẫn tiếp tục mua nguyên liệu thô của Nga, cung cấp số tiền lớn để Nga tái đầu tư vào công nghiệp quốc phòng, phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.

Trên thực tế, mặc dù kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Nga giảm xuống so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số tiền hơn 2,3 tỷ euro vẫn là con số đáng kể, đối lập hoàn toàn với việc hàng loạt nước châu Âu đang khăng khăng từ chối chi tiền mua vũ khí Mỹ để cung cấp cho Quân đội Ukraine.

Vừa qua, hai ông lớn NATO ở châu Âu là Pháp và Italia cùng với một số quốc gia châu Âu khác tuyên bố sẽ không tham gia sáng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khuyến khích các nước NATO mua vũ khí do Mỹ sản xuất để cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Trong khi Pháp lấy lí do là cần phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng riêng tại châu Âu để tăng giá trị xuất khẩu của khối EU thì Italia tuyên bố thẳng là “không có tiền”.

Một quốc gia NATO tích cực khác ở châu Âu là Cộng hòa Séc cũng từ chối tham gia mua vũ khí cho Ukraine với lý do là Prague đang tập trung vào các dự án và phương thức khác để hỗ trợ Ukraine, ví dụ như thông qua sáng kiến cung cấp đạn dược nên nước này chưa cân nhắc tham gia dự án của Mỹ.

Ngoài ra còn có 2 quốc gia châu Âu khác cũng không chi tiền mua vũ khí Mỹ cho Ukraine là Hungary và Slovakia, những nước vốn có quan hệ khá tốt đẹp với Nga và thường xuyên phản đối những quyết nghị của EU và NATO về Ukraine.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...