Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đường ống dẫn khí đốt còn lại của Nga sang châu Âu thất thu

Xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu qua đường ống dẫn khí TurkStream giảm trong tháng 4.

Đường ống dẫn khí đốt còn lại của Nga sang châu Âu thất thu

Đường ống dẫn khí TurkStream đưa khí đốt Nga sang châu Âu qua Biển Đen. Ảnh: TurkStream

Phân tích dữ liệu của S&P Global Commodity Insights ngày 3.5 cho thấy, lưu lượng khí đốt qua đường ống dẫn khí của Nga tới châu Âu giảm trở lại trong tháng 4 so với tháng 3, do lưu lượng được bơm qua đường ống TurkStream tới Đông Nam Âu giảm.

Đường ống của Nga chảy tới châu Âu - ngoại trừ Moldova - đạt tổng lưu lượng 2,21 tỉ mét khối khí đốt trong tháng 4, giảm 8% so với tháng 3, nhưng vẫn cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại chỉ còn 2 đường ống dẫn khí từ Nga đến châu Âu, một là đường ống qua Ukraina và đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream).

Dữ liệu cho thấy nguồn cung qua TurkStream đến châu Âu tại điểm vào Strandzha 2 trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Bulgaria đạt tổng cộng 1,14 tỉ mét khối trong tháng 4, tương đương trung bình 38 triệu m3/ngày, so với mức trung bình 43 triệu m3/ngày trong tháng 3.

Hai trong số những quốc gia hưởng lợi chính từ nguồn khí đốt đến châu Âu qua TurkStream là Hungary và Serbia (không thuộc EU) - cả hai quốc gia này vẫn có quan hệ tương đối chặt chẽ với Mátxcơva.

Hungary là một trong số ít quốc gia EU vẫn nhập khẩu khối lượng khí đốt đáng kể từ Nga. Budapest đã ký hợp đồng 15 năm vào tháng 9.2021 với tập đoàn Gazprom của Nga để cung cấp 4,5 tỉ mét khối khí đốt/năm.

Hungary cũng nhập thêm khí đốt của Nga ngoài khối lượng đã ký hợp đồng, nâng tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang Hungary vào năm 2023 lên tới hơn 5,5 tỉ mét khối.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ 3 từ trái), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (thứ 3 từ phải sang), Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (thứ 2 từ phải sang) và Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov (thứ 2 từ trái) tham dự lễ khánh thành dự án TurkStream ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Ngày 8/1/2020. Ảnh: Xinhua

Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ 3 từ trái), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (thứ 3 từ phải), Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (thứ 2 từ phải) và Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov (thứ 2 từ trái) tham dự lễ khánh thành dự án TurkStream ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8.1.2020. Ảnh: Xinhua

Khí đốt Nga qua TurkStream cũng có thể được chuyển đến Romania, Hy Lạp, Bắc Macedonia và Bosnia - Herzegovina. Đường ống này bắt đầu vận chuyển khí đốt vào tháng 1.2020.

Gazprom của Nga cũng tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraina, bất chấp xung đột đang diễn ra, với lượng giao hàng ổn định cho đến năm 2024. Áo và Slovakia vẫn là những khách hàng mua khí đốt Nga qua Ukraina.

Tuy nhiên, thỏa thuận trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm giữa Nga và Ukraina được ký vào tháng 12.2019 sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và tương lai của thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng.

Cao ủy năng lượng EU Kadri Simson cho biết vào tháng 3 rằng EU “không quan tâm” đến việc kéo dài thỏa thuận ba bên với Nga, trong khi Ukraina đã loại trừ việc gia hạn hợp đồng.

Bà Simson cũng cho rằng EU nên tiếp tục giảm nhập khẩu khí đốt và LNG của Nga trong năm 2024.

Hiện tại không có lệnh trừng phạt nào trên toàn EU đối với việc nhập khẩu khí đốt và LNG của Nga, nhưng Brussels muốn loại bỏ dần tất cả việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027.

Bên cạnh đó, tháng 4 vừa qua, Nghị viện châu Âu cho phép các quốc gia thành viên EU lựa chọn hạn chế khí đốt và LNG của Nga.

Theo dữ liệu của S&P Global, xuất khẩu LNG của Nga sang EU đạt tổng cộng 14,2 triệu tấn vào năm 2023, tăng nhẹ so với 14 triệu tấn vào năm 2022.

Bên cạnh các biện pháp cấp quốc gia có thể được thực hiện, Ủy ban châu Âu cũng được cho là đang xem xét đề xuất thêm các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực LNG của Nga.

Các biện pháp có thể được đưa vào gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga là hạn chế tái xuất khẩu LNG của Nga cập bến các cảng của EU tới các thị trường khác.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy các đề xuất sẽ bao gồm lệnh cấm toàn diện đối với nhập khẩu LNG của Nga.

Điều này xảy ra khi giá LNG giao ngay vào châu Âu tiếp tục giao dịch dưới mức 10 USD/MMBtu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết