Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cựu tướng NATO dự đoán thời điểm Nga - Ukraina ngừng bắn

Cả Nga - Ukraina sẽ không thành công với các mục tiêu quân sự và phải đạt thỏa thuận ngừng bắn, theo một cựu tướng NATO.

Cựu tướng NATO dự đoán thời điểm Nga - Ukraina ngừng bắn

Quân nhân Ukraina ở ngoại ô Bakhmut, miền đông Ukraina, ngày 30.12.2022. Ảnh: AFP

Tướng Hans-Lothar Domröse, sĩ quan cấp cao của quân đội Đức và là cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên quân Đồng minh Brunssum, dự đoán cuộc xung đột Nga - Ukraina sẽ đi vào bế tắc và một số thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được vào mùa hè tới.

“Tôi cho là sẽ có ngừng bắn vào đầu mùa hè” - ông Domröse nói với tập đoàn truyền thông Funke của Đức hôm 1.1, lập luận rằng vào thời điểm đó, cả hai bên sẽ cảm thấy việc tiếp tục chiến đấu “không còn tác dụng”.

Cựu tướng NATO nói, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, có khả năng cả hai bên sẽ nhận ra “họ đang gặp bế tắc”, và đây sẽ là thời điểm bắt đầu đàm phán ngừng bắn.

“Chúng ta sẽ có một thỏa thuận ngừng bắn trong năm 2023” - Domröse dự đoán, nhưng cảnh báo rằng điều này không có nghĩa là một nền hòa bình lâu dài được thiết lập ngay lập tức. Ông nói: “Ngừng bắn có nghĩa là: Chúng tôi ngừng bắn, nhưng các cuộc đàm phán có thể sẽ mất nhiều thời gian”.

Về tình trạng hiện tại của cuộc xung đột, Domröse nói lợi thế của Nga là có nhiều xe tăng và tên lửa hơn, trong khi Kiev hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây. 

“Thật khó tưởng tượng Ukraina có thể lấy lại hoàn toàn các lãnh thổ do Nga nắm giữ - ngay cả khi phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cần thiết, đặc biệt là xe tăng và pháo binh" - ông nói.

Nhà cửa ở Kiev, Ukraina bị phá hủy trong cuộc không kích ngày 1.1.2023. Ảnh: AFP

Nhà cửa ở Kiev, Ukraina bị phá hủy trong cuộc không kích ngày 1.1.2023. Ảnh: AFP

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2 năm ngoái, Đức cùng một loạt quốc gia phương Tây khác đã cung cấp vũ khí cho Ukraina. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz không muốn cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Kiev, lập luận rằng vì chưa có quốc gia nào khác gửi vũ khí hiện đại như vậy nên Đức không nên đi đầu.

Tướng Domröse tuyên bố, nếu “chúng ta thực hiện trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc, chúng ta phải cung cấp cho Kiev vũ khí hạng nặng trước khi kho dự trữ cạn kiệt, bởi vì từ khi chính phủ quyết định cho đến lúc triển khai xe tăng Leopard 2 ở Ukraina có thể mất tới hơn 1 tháng".

Theo tướng Domröse, đến một lúc nào đó, Ukraina sẽ mất đi chiếc xe tăng cuối cùng, khi đó họ sẽ cần nguồn cung cấp. Và đến một lúc nào đó sẽ có lệnh ngừng bắn, khi đó Ukraina cũng sẽ cần thêm hỗ trợ và vũ khí.

“Đã đến lúc các quốc gia Châu Âu có xe tăng Leopard cần thành lập một liên minh sẵn sàng và cùng nhau phối hợp thực hiện” - ông nói.

Nga luôn lập luận rằng việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraina chỉ để kéo dài cuộc xung đột. Mátxcơva cũng cảnh báo, các quốc gia thành viên NATO đang ngày càng tham gia vào những hành động thù địch, có khả năng dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự tổng lực giữa khối này và Nga.

Tướng Domröse thừa nhận, cách duy nhất để chấm dứt xung đột là thông qua một thỏa thuận đàm phán được cả hai bên chấp nhận. Ông gợi ý, một giải pháp khả thi có thể là Tổng thống Zelensky từ bỏ yêu cầu của Kiev về việc ngay lập tức sáp nhập Crimea vào Ukraina và thay vào đó đồng ý một “thời kỳ chuyển tiếp” 50 năm.

Tuy nhiên, Điện Kremlin trước đó đã bác bỏ những đề xuất như vậy, nhấn mạnh rằng nếu Ukraina muốn hòa bình thì nên tính đến “thực tế mới” - đề cập đến bốn khu vực cũ của Ukraina đã bỏ phiếu sáp nhập Nga vào mùa thu năm ngoái, sau khi Crimea cũng sáp nhập Nga năm 2014 sau một cuộc đảo chính ở Kiev.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết