Cơn bĩ cực của sinh viên Trung Quốc: Ra trường thất nghiệp đi lái xe taxi, giao hàng quá nhiều đến mức chính phủ phải hạn chế
Các sĩ tử 'dùi mài kinh sử' năm nay tại Trung Quốc đang khá lo lắng không biết cầm tấm bằng ra trường có xin nổi việc hay không.
Thất nghiệp đi làm lái taxi
Thị trường lao động này có rào cản thấp hơn so với một số công việc có mức lương tương đương, đồng thời việc thị trường Trung Quốc nới lỏng các lệnh giãn cách cũng khiến nhiều hãng xe tích cực tuyển thêm tài xế. Trong khi đó, ngành sản xuất giảm tốc lại đang khiến nhiều công nhân mất việc làm và phải tìm nguồn thu nhập khác, trong khi các sinh viên mới ra trường cũng không có nhiều lựa chọn như trước đây.
Việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát ngành giáo dục, dạy học thêm trực tuyến, mảng ngân hàng, bất động sản hay cả mảng công nghệ đã khiến nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh. Thêm vào đó, sự bất ổn của nền kinh tế cũng khiến các doanh nghiệp cắt giảm ngân sách tuyển dụng để tiết kiệm chi phí.
Ví dụ như thành phố Changsha của tỉnh Hunan đã phải ngừng ban hành giấy phép lái xe cho các tài xế ứng dụng chia sẻ kể từ tháng 5/2023 khi lượng xe taxi ở đây vượt quá lượng cầu.
Tương tự, thành phố Sanya của đảo Hải Nam cũng đã ngừng cấp phép lái xe taxi từ ngày 5/5/2023. Thậm chí các cơ quan chức năng còn tiến hành kiểm tra những công ty kinh doanh mảng chia sẻ dịch vụ thuê xe trước tình hình dư thừa quá nhiều nguồn cung.
“Nhu cầu vận tải tại đây đã vượt quá mức bão hòa”, chính quyền thành phố Sanya cho biết.
Nhiều thành phố khác của Trung Quốc cũng đã cảnh báo người lao động ngừng đổ xô đi làm tài xế taxi chia sẻ khi nhu cầu của thị trường đã ở mức bão hòa. Tuy nhiên với việc các ngành lao động khác cắt giảm việc làm hay mức lương cũng như vô số sinh viên ra trường thất nghiệp, tình trạng này sẽ khó ngừng lại được nếu chính phủ không có biện pháp cấm đoán.
Vào cuối tháng 4/2023, chính quyền Shenzhen đã công bố số liệu cho thấy 60% số tài xế chia sẻ không có nổi 10 khách mỗi ngày trong quý I/2023. Khoảng 90.000 tài xế chia sẻ đang hoạt động tại đây.
“Hãy sáng suốt hơn khi đưa ra lựa chọn công việc kiếm tiền”, chính quyền thành phố Shenzhen khuyên nhủ cánh tài xế.
Tương tự, thành phố Qingdao tỉnh Shandong cũng cảnh báo người lao động rằng việc làm tài xế taxi chia sẻ không còn được thu nhập cao như trước.
Tờ Nikkei cho biết kể từ sau Tết Nguyên Đán 2023, lượng tài xế taxi chia sẻ đã tăng đột biến ở Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 4/2023 đã có 2,3 triệu tài xế chia sẻ, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Cuộc đua giao hàng
Một nghề nữa cũng hút lao động thất nghiệp hiện nay là giao hàng. Một cuộc khảo sát năm 2019 của hãng giao đồ nhanh Meituan cho thấy 1% nhân viên giao hàng của công ty có trình độ cử nhân trở lên. Tuy nhiên tỷ lệ này đã bị cư dân mạng phóng đại khi áp dụng lên 7 triệu người giao hàng trên toàn Trung Quốc, tạo nên con số 70.000 người giao hàng có trình độ cử nhân trở lên.
Câu chuyện tưởng chừng hoang đường với các lao động Phương Tây này trên thực tế lại khá chính xác ở Trung Quốc khi mức thu nhập của người giao hàng tại đây có thể lên đến 10.000 Nhân dân tệ/tháng, tương đương 1.450 USD.
Để so sánh, mức lương bình quân của các lao động tỉnh lẻ lên làm nhân viên bảo vệ hay lao công chỉ vào khoảng 3.000 Nhân dân tệ/tháng. Đó là chưa kể đại dịch cùng kinh tế giảm tốc khiến những công việc này bị cắt giảm đáng kể, trong khi giao hàng lại lên ngôi khi giới trẻ Trung Quốc ngày nay thích mua sắm online hơn.
Tuy nhiên việc ngày càng nhiều lao động đổ xô vào mảng này do rào cản thấp, không cần bằng cấp lại đang khiến thị trường bão hòa. Sự dịch chuyển chi tiêu sang tiết kiệm trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều nền tảng thương mại điện tử và giao hàng tại Trung Quốc gặp khó khăn, dẫn đến việc hạ thu nhập và cắt giảm lao động.
Trong khi đó tờ New York Times (NYT) mới đây cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ từ 16-24 tuổi tại Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục 20,4%, tức cứ 5 người trẻ thì 1 người thất nghiệp.
Hơn nữa, nước này dự kiến có thêm khoảng 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng trong năm nay.
Với những khó khăn như trên, việc tạo công ăn việc làm cho người lao động Trung Quốc, nhất là giới trẻ, sinh viên mới ra trường đang là bài toán nan giải cho các nhà hoạch định chính sách.
*Nguồn: Nikkei Asian Review, NYT