Chướng ngại mới với siêu đường ống dẫn khí đốt Nga-Trung
Siêu đường ống dẫn khí đốt Nga - Trung Quốc Sức mạnh Siberia 2 ít có khả năng khởi công khi Trung Quốc đã đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu.
Đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia nối Nga và Trung Quốc hiện có vẫn chưa vận hành hết công suất. Ảnh: Gazprom
Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ khí đốt hàng đầu thế giới - đa dạng hóa hoạt động nhập khẩu năng lượng trong năm ngoái đủ để giảm thiểu rủi ro cho bất kỳ thị trường riêng lẻ nào. Các nhà phân tích cho rằng, động thái này làm giảm khả năng khởi động xây dựng đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) - một dự án chung giữa Nga với Trung Quốc.
Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh có thể mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại song phương vốn dẫn tới việc Mỹ áp thuế hàng hóa Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhập 76,7 triệu tấn LNG vào năm ngoái, tăng 7,7%. Trong khi đó, lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống của Trung Quốc tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước lên 55 triệu tấn.
Tổng lượng LNG Trung Quốc nhập khẩu từ Australia đạt 26,2 triệu tấn năm 2024, chiếm khoảng 34% tổng lượng nhập khẩu của nước này.
Turkmenistan là nguồn cung khí đốt qua đường ống dẫn khí lớn nhất của Trung Quốc, vận chuyển lượng khí đốt trị giá 9,6 tỉ USD vào năm ngoái, chiếm 45,37% tổng lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống.
Nga xếp thứ 2, với 8 tỉ USD khí đốt vận chuyển qua đường ống, chiếm 38,1% tổng số khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc qua đường ống.
Nga cũng là nước xuất khẩu LNG thứ 3 sang Trung Quốc, sau Qatar, với 8,31 triệu tấn, tương đương 10,8% tổng lượng LNG nhập khẩu.
Vị trí của đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nga. Ảnh: Gazprom
Alicia Garcia-Herrero (nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis) lưu ý: "Theo tôi được biết, đường ống Sức mạnh Siberia giữa Trung Quốc và Nga không hoạt động hết công suất, do đó có vấn đề về nhu cầu".
Đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia hiện nối dài tới tận Thượng Hải, có công suất vận chuyển hàng năm là 38 tỉ m3.
Chuyên gia Garcia-Herrero chỉ ra, dù thỏa thuận mua khí đốt được ký giữa Trung Quốc và Nga năm 2009 có thời hạn 10 năm, Trung Quốc cũng ký thỏa thuận cung cấp khí đốt với Qatar sau khi xung đột ở Ukraina nổ ra. Điều này cho thấy Bắc Kinh tìm cách phòng ngừa những tác động địa chính trị từ cuộc xung đột đó.
Tuy nhiên, mối quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc cũng có tác động, chuyên gia Garcia-Herrero chỉ ra.
Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 4,2 triệu tấn LNG từ Mỹ, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Lượng nhập khẩu từ Mỹ chiếm 5,4% tổng lượng LNG mà Bắc Kinh mua.
Các chuyên gia cho rằng, có khả năng Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc giảm phụ thuộc vào dầu của Nga và mua khí đá phiến từ Mỹ, chiến thuật tương tự đã được áp dụng với Ấn Độ.
Số liệu từ hãng tin công nghiệp LNGPrime có trụ sở tại New York cho thấy, lượng khí đốt và LNG nhập khẩu qua đường ống của Trung Quốc trong năm ngoái đã tăng 9,9% lên 131,7 triệu tấn.
Đường ống Sức mạnh Siberia 2 sẽ chuyển khí đốt Nga qua Mông Cổ đến Trung Quốc thay vì đến châu Âu như trước đó.
Nga đã tái khẳng định sự quan tâm với dự án Sức mạnh Siberia 2. Tuy nhiên, đường ống dẫn khí này có thể sẽ không sớm nằm trong chương trình nghị sự thảo luận song phương Nga - Trung Quốc, SCMP chỉ ra.
Tờ báo có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) chỉ ra, dự án Sức mạnh Siberia 2 đã bị loại khỏi chương trình hành động của Mông Cổ đến năm 2028, dấu hiệu về một bước lùi lớn.